Bệnh Zona thần kinh là gì? Nguy hiểm không? Nguyên nhân, Cách điều trị

Bệnh Zona thần kinh là gì?

Zona thần kinh là một bệnh hay gặp và gây nên nhiều khó chịu cho người bệnh. Tuy đây là một bệnh khá phổ biến nhưng lại chưa thật sự có nhiều người hiểu đúng và đủ về bệnh. Để giải quyết vấn đề đó, AMERIVER mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về bệnh Zona thần kinh nhé.

1, Bệnh Zona thần kinh là gì?

Bệnh Zona là kết quả của sự tái hoạt động trở lại của một loại virus có tên là Herpes zoster (Varicella-zoster virus hoặc VZV) đã từng gây bệnh thủy đậu trước đó trên người bệnh. Bình thường, virus gây bệnh thủy đậu sẽ khu trú tiềm ẩn trong cơ thể ở trạng thái ngủ (không hoạt động) bên trong các dây thần kinh cảm giác. Khi gặp phải một yếu tố nguy cơ nào đó, virus sẽ được kích hoạt để trở thành dạng hoạt động sau khi gây bệnh thủy đậu nhiều năm trước. Khi đó, virus sẽ chạy dọc theo các dây thần kinh cảm giác rồi vào da và tạo ra những vùng phát ban gây nên cảm giác đau mà người ta thường gọi là bệnh Zona.

Bệnh Zona có tên tiếng anh là Shingles. Cái tên này thực ra có nguồn gốc từ tiếng Latin và Pháp mang ý nghĩa là chiếc dây đai, chính cái tên này đã phản ánh đúng tính chất phân bố của các dải phát ban khi bị bệnh. Đa số các trường hợp, các dải tổn thương chỉ xuất hiện và tồn tại ở 1 bên của cơ thể tương ứng với một vùng chi phối của một dây thần kinh nào đó.

Tất cả những trường hợp đã từng có tiền sử mắc bệnh thủy đậu hoặc những người đã tiêm vaccine thủy đậu đều có thể có nguy cơ nhiễm Herpes Zoster virus gây ra bệnh Zona thần kinh. Ở những đối tượng là người lớn tuổi, bệnh nhân ung thư, HIV/ AIDS hoặc các trường hợp đã từng cấy ghép mô sẽ có tình trạng suy giảm sức đề kháng chống lại nhiễm trùng, sẽ dễ bị khởi phát bệnh Zona hơn người khỏe mạnh bình thường.

Hầu hết những trường hợp bị Zona thần kinh đều là người khỏe mạnh. Do đó, không nhất thiết phải sử dụng các xét nghiệm đặc hiệu nếu như hệ miễn dịch của bệnh nhân còn tương đối tốt.

 

Bệnh Zona thần kinh là gì?
Bệnh Zona thần kinh là gì?

2, Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh Zona thần kinh

Trên thực tế vẫn chưa có ai xác định được chính xác nguyên nhân vì sao virus gây bệnh thủy đậu lại có thể tái hoạt động trở lại để gây ra bệnh Zona thần kinh. Người ta chỉ có thể chỉ ra một số yếu tố nguy cơ gây khởi phát bệnh có thể là:

  • Stress, căng thẳng thường xuyên
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể
  • Hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu (tình trạng này có thể là do tuổi tác, bệnh lý mắc phải, do dùng một số loại thuốc làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Làm mất khả năng giữ được virus thủy đậu trong trạng thái bất hoạt của cơ thể).
  • Các bệnh nhân bị bệnh ung thư dù là được điều trị hay không điều trị.
  • Những người đang sử dụng các biện pháp điều trị bằng tia xạ, chất phóng xạ.
  • Trường hợp vô tình làm tổn thương tại chỗ các vùng da đang bị nổi ban.

Tuy nhiên bên cạnh các yếu tố nguy cơ này thì vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân bị Zona thần kinh mà không có nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ nào.

3, Triệu chứng của bệnh Zona thần kinh

Khi virus tái hoạt động trong cơ thể, chúng sẽ gây tổn thương một dây thần kinh nào đó. Và phụ thuộc vào dây thần kinh bị tổn thương ở vùng nào sẽ có biểu hiện tại vị trí tương ứng. Bệnh Zona có thể xuất hiện và gây nên triệu chứng ở nhiều khu vực khác nhau trong cơ thể.

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh Zona thần kinh thường là tình trạng tăng cảm giác trên da hoặc nhạy cảm với cảm giác đau, thường chỉ biểu hiện ở 1 bên của cơ thể (trái hoặc phải). Những rối loạn cảm giác trên da có thể gặp là ngứa, ban căng phù, bỏng, đau nhức dai dẳng hoặc nhiều trường hợp bệnh nhân có thể bị đau ở sâu, đau chói.

Bình thường trong đa số các trường hợp thì sau khi bệnh nhân có biểu hiện các cơn đau khoảng từ 1 cho đến 3 ngày thì sẽ bắt đầu xuất hiện các dải ban, chứng tấy đỏ, sưng phồng lên ở vị trí đau. Sau đó các dải bạn sẽ bắt đầu hình thành mủ và đóng vảy, quá trình này thường diễn ra trong khoảng từ 10 cho đến 12 ngày. Sau khoảng 2 đến 3 tuần sau thì các dải bạn sẽ dần biến mất và vảy bong dần rồi rơi ra, khi đó nếu da không được chăm sóc đúng cách thì rất có nguy cơ để lại sẹo.

4, Các thể lâm sàng của bệnh Zona thần kinh

Các thể lâm sàng của bệnh Zona thần kinh
Các thể lâm sàng của bệnh Zona thần kinh

Phân loại theo vị trí xuất hiện tổn thương có các loại sau: 

  • Zona thần kinh vùng liên sườn và ngực bụng: đây có lẽ là thể bệnh phổ biến nhất hiện nay, chiếm khoảng 50% trường hợp.
  • Zona thần kinh vùng cổ hoặc vùng cánh tay, cổ tay.
  • Zona thần kinh vùng gáy: trong thể bệnh này có các tổn thương ở vị trí gáy, da đầu và vùng quanh tai.
  • Zona thần kinh vùng hông, bụng dưới, bộ phận sinh dục, bẹn, xương cùng, đùi.

Phân loại theo hình thái tổn thương bao gồm các loại như:

  • Zona gây tổn thương phối hợp nhiều dây thần kinh cùng một lúc.
  • Zona thần kinh tái phát nhiều lần.

Hai loại tổn thương này thường gặp ở những người có tình trạng suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV/AIDS,người bị ung thư đang sử dụng phương pháp hoá trị liệu,…

Ngoài ra còn có các thể Zona đặc biệt khác như:

  • Zona thần kinh vùng mắt: Thể bệnh này chiếm khoảng 10-15% trường hợp bệnh Zona. Nguyên nhân chính là do virus gây tổn thương dây thần kinh V hay thần kinh sinh ba chi phối cho vùng mắt. Khi đó bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng về mắt như viêm kết mạc, tổn thương giác mạc, củng mạc, thậm chí có thể gây mù lòa.
  • Zona thần kinh hạch gối: Nguyên nhân của thể bệnh này là do virus gây tổn thương hạch gối của dây thần kinh số VII. Bệnh nhân sẽ có các biểu hiện kèm theo như liệt một bên mặt, ù tai, nghe kém hoặc mất khả năng nghe, mắt không nhắm kín được , có dấu hiệu Charles Bell,…
  • Zona thần kinh vùng xương cùng (các đốt sống S2, S3, S4): Bệnh nhân có các biểu hiện như khó tiểu, tiểu dắt, bí tiểu, có trường hợp tiểu máu và tiểu mủ. Đau bụng giống như các triệu chứng ngoại khoa, đau quặn bụng dưới, căng tức, bí trung đại tiện, hậu môn co thắt và cứng như đá không thể khám được, đau nhức vùng da một bên sinh dục kèm theo thương tổn da điển hình.

5, Bệnh Zona thần kinh có nguy hiểm không? Một số biến chứng của bệnh

Trong đa số các trường hợp thì bệnh Zona thần kinh sẽ được chữa khỏi mà không để lại di chứng gì cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu vì một nguyên nhân nào đó, các nốt ban hay mụn nước có thể bị bội nhiễm thêm một số loại vi khuẩn khác sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng viêm mô tế bào, đây là một bệnh lý nhiễm khuẩn da. Khi đó tình trạng nhiễm khuẩn sẽ làm cho vùng da trở nên đỏ hơn, nóng bừng, sưng bóng lên và sẽ khiến cho bệnh nhân rất đau.

Một số trường hợp khác, bệnh nhân cũng có thể quan sát thấy có các vệt màu đỏ xuất hiện xung quanh vết thương.

Nếu các bạn phát hiện thấy mình có bất kỳ triệu chứng nào trong số đó, hãy tìm đến bác sĩ ngay để được chăm sóc và điều trị sớm, tránh các biến chứng sau này. Để điều trị trong những trường hợp nêu trên, các bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc kháng sinh phù hợp.

Một biến chứng nguy hiểm khác cũng có thể làm cho nhiều người bệnh lo lắng là khi bị Zona thần kinh ở vùng mặt, đặc biệt ở các vị trí trán và mũi. Trong những trường hợp này, Zona có thể làm giảm thị lực thậm chí có thể gây mù cho bệnh nhân. Do đó nếu các bạn bị Zona thần kinh ở các vị trí này thì cũng nên điều trị và chăm sóc sớm tránh các biến chứng về mắt nguy hiểm.

Bệnh Zona thần kinh sau khi khỏi nếu không được chăm sóc tốt rất dễ gây nên sẹo trên da ảnh hưởng tới thẩm mỹ do đó bệnh nhân cần lưu ý chăm sóc da vùng tổn thương thật tốt theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

Bệnh Zona thần kinh có nguy hiểm không?
Bệnh Zona thần kinh có nguy hiểm không?

6, Điều trị bệnh Zona thần kinh như thế nào cho hiệu quả?

Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà có thể điều trị bệnh Zona thần kinh tại nhà hoặc tại viện như sau:

6.1. Chế độ dùng thuốc cho bệnh nhân bị Zona thần kinh

Một số bác sĩ có quan điểm điều trị bệnh Zona thần kinh là chỉ điều trị triệu chứng của bệnh như đau, viêm da,… Một vài thuốc giảm đau hay được lựa chọn sử dụng hiện nay như Acetaminophen và Ibuprofen hoặc các loại thuốc giảm đau Tricyclic. Trong trường hợp đau dây thần kinh nặng sau tổn thương thì đôi khi còn phải kết hợp thuốc muối có hiệu quả. Một số người sau khi tổn thương da đã hết vẫn còn tồn tại triệu chứng đau thì vẫn nên dùng thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng đó.

Chỉ định dùng các loại thuốc kháng virus như Acyclovir, Valacyclovir hay Famciclovir là một chỉ định đầu tiên và thông dụng cho bệnh nhân bị Zona. Các loại thuốc này có thể làm giảm thời gian phát ban và đau, bao gồm cả đau sau khi tổn thương đã hết. Cần phải lưu ý nên bắt đầu sử dụng những loại thuốc này trong giai đoạn sớm của bệnh thì mới có hiệu quả cao, nếu sử dụng muộn sẽ không mang lại nhiều kết quả. Bác sĩ sẽ quyết định bạn cần sử dụng loại thuốc nào.

Đôi khi một số trường hợp cần thiết, corticoid tại chỗ có thể được các bác sĩ kê cho bệnh nhân dùng để giảm tình trạng viêm, giảm đau và chống nhiễm trùng.

Chế độ dùng thuốc cho bệnh nhân bị Zona thần kinh
Chế độ dùng thuốc cho bệnh nhân bị Zona thần kinh

6.2. Điều trị tại nhà

Một khi các bạn nghi ngờ mình bị Zona thần kinh thì tốt nhất hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, vì thuốc kháng virus chỉ có hiệu quả khi được sử dụng sớm. Sau đó nếu tình trạng của các bạn nhẹ nhàng, không có gì đáng lo thì sẽ được các bác sĩ hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho thuận tiện. Một số lời khuyên cho các bạn điều trị tại nhà đó là:

  • Tuyệt đối không nên gãi vì khi gãi có thể làm xây sát da và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát, sau đó rất dễ để lại sẹo xấu trên da. Nếu các bạn cảm thấy quá ngứa ngáy và khó chịu thì có thể nhờ các bác sĩ kê thêm thuốc kháng histamin để giúp giảm ngứa.
  • Một số loại thuốc giảm đau cũng nên được chuẩn bị sẵn để dùng khi bệnh nhân bị đau nhiều. Hầu hết các thuốc giảm đau thông thường đều là thuốc tác dụng ngắn, do đó khi bệnh nhân đau nhiều mới cho dùng giảm đau và không cần dùng thường xuyên.
  • Dùng miếng gạc băng ép ngâm vào nước lạnh rồi băng vào vùng da tổn thương có rỉ mủ trong khoảng 20 phút dai dẳng hằng ngày để làm dịu bớt các cơn đau và làm khô vùng tổn thương da. Ngoài ra phương pháp băng ép này còn giúp loại bỏ bớt lớp vảy và giảm khả năng bị nhiễm trùng da. Khi các tổn thương trên da bắt đầu khô lại thì có thể dừng băng ép, tránh làm cho những vùng da xung quanh không trở nên khô và ngứa.
  • Luôn giữ cho khu vực da tổn thương thật sạch sẽ. Có thể rửa và vệ sinh bằng xà bông nhẹ và nước. Mặc các loại quần áo rộng để tránh gây bí bách và tổn thương thêm do quần áo chật cọ xát vào vùng tổn thương. Nên lưu ý tránh những tiếp xúc với da của những người chưa từng bị thủy đậu, đang bệnh, hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch để tránh lây bệnh cho họ.

6.3. Cách dùng lá cây chữa Zona thần kinh

Ngoài các phương pháp chữa Zona theo tây y thì các bạn cũng có thể thử một số cách điều trị Zona thần kinh bằng lá cây như sau:

Chữa Zona thần kinh bằng lá sung:

Lá sung non được lựa chọn thay vì các lá sung già, cứng cáp. Lá có vị ngọt, hơi chát, theo y học cổ truyền thì chúng có tính mát, thường được sử dụng để thông huyết, chỉ thống, lợi tiểu, tiêu viêm, bổ máu và kháng khuẩn. Trong điều trị bệnh Zona thần kinh, lá sung giúp làm bong các lớp vảy của các nốt mụn nước nhanh hơn, giúp bệnh nhân nhanh khỏi hơn.

Cách thực hiện: Sau khi hái lá sung về, hãy rửa chúng thật sạch, sau đó cắt nhỏ, thêm một chút giấm vào trộn đều rồi đắp lên vùng da bị tổn thương, đến khi lớp lá thuốc đắp khô lại thì đắp tiếp đợt khác. Thực hiện duy trì phương pháp này trong 2 ngày các bạn sẽ thấy các nốt mụn nước Zona khô dần rồi bong vảy.

Chữa Zona thần kinh bằng cây rau dừa nước:

Rau dừa nước là một loại lá có vị ngọt nhẹ, có tính hàn, và có khả năng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.

Để chữa bệnh Zona thần kinh, các bạn có thể dùng rau dừa nước tươi rửa thật sạch rồi giã nát lấy nước cốt.. sau đó hãy trộn lượng nước cốt vừa thu được với bột gạo nếp rồi đắp vào vùng da bị bệnh. Nên thực hiện đều đặn để có kết quả tốt nhất.

Chữa Zona thần kinh bằng lá mơ lông:

Theo y học cổ truyền, lá mơ lông là một loại lá có vị chua, tính bình, có khả năng trừ phong, hoạt huyết, giải độc, chỉ thống, tiêu thực, trừ thấp tiêu thũng.

Trong việc điều trị Zona thần kinh, các bạn có thể sử dụng cành lá mơ leo rửa thật sạch, sau đó giã nát rồi đắp trực tiếp vào vùng da bị tổn thương, đắp hàng ngày cho đến khi vết thương khô se lại.

Dùng lá cây chữa Zona thần kinh
Dùng lá cây chữa Zona thần kinh

7, Phác đồ điều trị Zona thần kinh của Bộ Y Tế

Điều trị tại chỗ: bằng các cách đơn giản như bôi hồ nước, thuốc màu milian, castellani, mỡ acyclovir, nếu bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn thì có thể dùng thêm mỡ kháng sinh để bôi.

Điều trị toàn thân bằng các cách sau:

  • Dùng thuốc Acyclovir đường uống: đây là một loại thuốc kháng virus có tác dụng làm nhanh lành vết thương, ngăn chặn sự xuất hiện của các tổn thương mới và giảm đau sau khi bị Zona thần kinh. Thuốc nên được dùng sớm, tốt nhất trong vòng 72 để đạt hiệu quả cao nhất. Khi bắt đầu cho bệnh nhân dùng acyclovir thì cho dùng với liều 800mg, dùng khoảng 5 lần mỗi ngày và kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày.
  • Dùng Famciclovir liều 500mg 8 giờ một lần (tổng dùng 3 lần mỗi ngày) và kéo dài khoảng 7 ngày.
  • Dùng Valacyclovir liều 1000mg 8 giờ một lần (tổng dùng 3 lần mỗi ngày) và kéo dài trong khoảng 7 ngày.
  • Ngoài ra có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thêm các loại thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm, thuốc giảm đau, chống viêm.
  • Nếu bệnh nhân bị đau nhiều và kéo dài thì có thể bôi thêm kem chứa Lidocain và Prilocain để giúp giảm đau. Cho bệnh nhân uống thuốc chống trầm cảm ba vòng, dùng các thuốc phong bế thần kinh hoặc các phương pháp vật lý trị liệu kết hợp để nâng cao hiệu quả.
  • Corticoid có thể được chỉ định để giảm đau trong thời kỳ cấp tính của bệnh.
  • Trong trường hợp bệnh nhân có suy giảm miễn dịch hay tổn thương Zona lan rộng thì có thể xem xét dùng Acyclovir 30mg/kg/ngày đường tĩnh mạch trong khoảng 7 ngày hoặc cho đến khi thương tổn đóng vảy tiết.
  • Nếu bệnh nhân có tổn thương phối hợp thì phải cho đi khám chuyên khoa liên quan.

Khi được bác sĩ chỉ dẫn và các bạn về nhà tự điều trị, các bạn cần phải uống tất cả những loại thuốc mà bác sĩ đã kê đơn và phải tuân thủ làm theo đúng hướng dẫn. Trong trường hợp các bản ghi nhận được những triệu chứng mới hay trường hợp không thể kiểm soát được cơn đau thì hãy thông báo với bác sĩ để có cách xử trí kịp thời.

8, Cách dự phòng bệnh Zona thần kinh bằng Vắc xin

Cho đến nay vẫn chưa có cách nào để dự phòng bệnh Zona thần kinh đặc hiệu. Các bạn sẽ không thể bị lây bệnh từ những người bị Zona thần kinh. Tuy nhiên, nếu chưa từng bị thủy đậu thì các bạn lại có thể bị lây bệnh thủy đậu từ những tiếp xúc gần gũi với những bệnh nhân bị Zona thần kinh. Hãy dùng quần áo kín để đảm bảo che phủ vùng da tổn thương, việc đó sẽ giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus sang cho người khác.

Vắc xin VZV, còn được biết đến là Vắc xin ngừa thủy đậu cũng được khuyến cáo sử dụng cho tất cả mọi người. Vắc xin này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Zona thong qua việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại VZV hoặc giữ cho virus luôn ở trong trạng thái bất hoạt không gây bệnh. Hiện nay đang có nhiều cải tiến của loại Vắc xin này sẽ có thể giúp ngừa được bệnh Zona thần kinh trong tương lai.

Dự phòng bệnh Zona thần kinh bằng Vắc xin
Dự phòng bệnh Zona thần kinh bằng Vắc xin

9, Khi nào cần đi khám bệnh Zona thần kinh?

Hãy đến gặp bác sĩ để khám kỹ hơn khi các bạn bị đau nhiều hoặc nổi ban đỏ tạo thành 1 dải ở một bên của cơ thể, nếu nghi ngờ mình bị Zona thần kinh thì cũng nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Khi đó, sau khi chẩn đoán xác định bệnh, các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc kháng virus, các loại thuốc đó chỉ hiệu quả khi được sử dụng sớm.

Khi các bạn phát hiện thấy có xuất hiện các vết ban và nốt nhỏ phồng nổi lên ở các vị trí như mũi hoặc gần mắt, các bạn hãy đi khám ngay vì khi đó virus gây bệnh có thể đã lan đến vùng ổ mắt làm tổn thương trực tiếp mắt và có khả năng gây mù lòa cho bệnh nhân.

Người bệnh cũng cần đi đến khám bác sĩ sớm nếu đang mắc phải các bệnh lý làm suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch của cơ thể. Việc khám và điều trị sớm sẽ giúp các bạn có thể tránh được những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Trong một số trường hợp khẩn cấp các bạn còn phải đến viện trong tình trạng cấp cứu như:

  • Bệnh nhân bị Zona thần kinh và có kèm theo triệu chứng sốt cao hay mệt mỏi nhiều.
  • Các vết phồng hay ban đỏ có xu hướng lan rộng ra những khu vực khác của cơ thể, có dấu hiệu bệnh tiến triển nặng nhanh.
  • Bệnh nhân có kiểu đau kinh điển, các vết phồng sẽ bị nổi lên thành 1 dải dài và to ở 1 bên của cơ thể. Thực tế thì chỉ cần có dấu hiệu này là các bác sĩ có thể chẩn đoán là bạn đã bị nhiễm Herpes Zoster, gây nên bệnh Zona thần kinh. Các dải ban này có thể lan ra vùng xung quanh dải ban đầu hoặc ít gặp nhưng vẫn có thể có trường hợp ban lan sang phía bên đối diện của cơ thể.

Đôi khi trong một số trường hợp khác bệnh nhân lại chỉ đau theo 1 dải mà không nhìn thấy nổi ban trên bề mặt da. Các trường hợp này thường nhẹ nhàng hơn nhưng lại khó chẩn đoán xác định.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ và hướng đến bệnh Zona thần kinh, các bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định làm thêm một số xét nghiệm để xác định xem các bạn có bị Zona thần kinh thật hay không, hay là bị bệnh khác. Tuy nhiên, những xét nghiệm này không phải lúc nào cũng cần thiết, đôi khi chỉ cần có dấu hiệu lâm sàng, nghi ngờ mà chưa cần làm xét nghiệm thì người ta vẫn tiến hành điều trị thử bằng các loại thuốc kháng virus.

Một số xét nghiệm có thể được thực hiện là:

  • Phết Tzanck: Ngày nay phương pháp này ít được sử dụng hơn trước kia do có nhiều kỹ thuật mới ưu việt hơn xuất hiện. Để thực hiện phết Tzanck, người ta sẽ tiến hành rạch vết phồng để lấy dịch cùng với các tế bào da trong đó rồi phết lên lam kính. Sau đó tiến hành nhuộm màu cho bệnh phẩm vừa lấy bằng 1 loại thuốc nhuộm chuyên dụng rồi đưa lên quan sát trên kính hiển vi để phát hiện những biến đổi của tế bào gây ra bởi virus. Phương pháp này tuy có giá trị chẩn đoán bệnh Zona thần kinh nhưng lại không thể giúp phân biệt được giữa tác nhân VZV và Herpes Simplex Virus (HSV).
  • Cấy virus hoặc test kháng thể đặc biệt: Một số xét nghiệm như DFA (direct fluorescent antibody – kháng thể huỳnh quang trực tiếp) thường cho kết quả nhanh sau 1 giờ làm xét nghiệm. Xét nghiệm này ưu việt hơn phương pháp phết Tzanck ở chỗ có thể giúp chúng ta phân biệt được giữa 2 loại tác nhân là VZV và HSV. Cấy virus có thể cho kết quả sau 2 tuần hoặc hơn nhưng một khi có kết quả có thể khẳng định chắc chắn tác nhân gây bệnh.
  • Sinh thiết da vùng tổn thương: Kỹ thuật viên sẽ lấy một mẩu da ở vùng có biểu hiện tổn thương và quan sát kỹ chúng dưới kính hiển vi quang học. Đôi khi người ta cũng có thể dùng mô sinh thiết để cấy thay thế trong trường hợp không có mẩu da tổn thương nguyên vẹn. Ngoài ra người ta còn có thể dùng phương pháp phân tích trình tự gen PCR để phát hiện ra kiểu gen là DNA của virus có trong mẫu mô được sinh thiết.
Khi nào cần đi khám bệnh Zona thần kinh?
Khi nào cần đi khám bệnh Zona thần kinh?

10, Một số câu hỏi liên quan

10.1. Bị Zona thần kinh có phải kiêng nước không?

Nước không làm ảnh hưởng tới bệnh Zona thần kinh do đó các bạn không cần phải kiêng nước khi bị bệnh. Không những vậy, các bạn còn phải đảm bảo vệ sinh cơ thể sạch sẽ để tránh bội nhiễm.

10.2. Bị Zona thần kinh nên kiêng ăn gì?

Trước đây có nhiều kinh nghiệm của các cụ cho rằng bệnh nhân bị Zona thần kinh phải kiêng khem nhiều thứ nhưng không phải vậy, chế độ ăn cũng không có ảnh hưởng nhiều tới bệnh. Do đó chỉ cần cho bệnh nhân ăn uống đủ dinh dưỡng và loại bỏ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,.. hay các loại thực phẩm không hợp vệ sinh là được.

10.3. Bệnh Zona thần kinh có lây không?

Bệnh Zona thần kinh là một bệnh lý có khả năng lây truyền từ người đang bị nhiễm virus sang các đối tượng khác như trẻ em hay người lớn chưa từng mắc bệnh thuỷ đậu trước đây. Thay vì bị Zona thần kinh, những đối tượng này lại mắc bệnh thuỷ đậu trước tiên. Còn với những người đã mắc bệnh thuỷ đậu thì họ sẽ bị nhiễm virus và có nguy cơ bị Zona thần kinh trong tương lai.

Bạn đọc cũng cần lưu ý thêm, bệnh Zona thần kinh không lây trực tiếp từ người sang người, chỉ khi tiếp xúc với bọng nước, mụn nước bị vỡ của người bệnh, bạn mới có khả năng nhiễm virus. Do đó, không nên dùng chung đồ dùng như khăn tắm, khăn mặt, quần áo với những đối tượng bị mắc Zona thần kinh (bị nhiễm virus VZV).

Trên đây là một số thông tin về bệnh Zona thần kinh mà các bạn có thể tham khảo. Bệnh Zona thần kinh không phải là một bệnh nguy hiểm, nhưng đừng vì thế mà chủ quan các bạn nhé. Cảm ơn các bạn đã theo dõi và tham khảo bài viết của chúng tôi.

Xem thêm:

Liệt dây thần kinh số 7 là gì? Hình ảnh, nguyên nhân, cách điều trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *