Bệnh tay chân miệng là gì? Hình ảnh, nguyên nhân, cách phòng tránh

Bệnh tay chân miệng là gì?

Hiện nay, rất nhiều người đang quan tâm và tìm hiểu về Bệnh tay chân miệng do bệnh lý này ngày càng phổ biến, nhất là ở trẻ em. Vậy thực chất bệnh tay chân miệng có những vấn đề đặc biệt gì mà các bạn cần biết. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

1, Bệnh tay chân miệng là gì? Các cấp độ của bệnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tay chân miệng là một bệnh lý truyền nhiễm mang tính chất cấp tính do virus gây ra. Bệnh có các biểu hiện dễ nhận biết là sốt, đau họng, tổn thương viêm loét vùng niêm mạc miệng. Đặc trưng nhất là tổn thương trên da tồn tại ở dạng các nốt phỏng nước xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông.

Các cấp độ của bệnh:

Để thuận tiện cho việc chẩn đoán bệnh, tiên lượng và điều trị, người ta thường chia bệnh tay chân miệng thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng như sau:

Tay chân miệng độ 1: Ở cấp độ này, bệnh chỉ gây tổn thương và loét ở vùng khoang miệng, có thể kết hợp với tổn thương da hoặc không. Đây được coi là một thể nhẹ nhất của bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng độ 2: Ở độ 2, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu có một số biến chứng trên hệ thần kinh hay các biến chứng về tim mạch nhũng ở mức độ nhẹ. Trong độ 2 người ta lại chia ra thành 2 phân độ nhỏ hơn như sau:

  • Độ 2a: Trẻ bị tay chân miệng và có biểu hiện có 1 trong các dấu hiệu sau: giật mình với tần số dưới 2 lần trong vòng 30 phút và không phát hiện được lúc khám bệnh, sốt kéo dài trên 2 ngày hoặc sốt cao nhiệt độ trên 39 độ C. Ngoài ra trẻ có thể có kèm theo các triệu chứng khác là môn, tinh thần lơ mơ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ,…
  • Độ 2b: Trẻ có các triệu chứng đặc trưng và được chia thành nhóm 1 hoặc nhóm 2 như sau:

Nhóm 1: Trẻ giật mình và bác sĩ có thể ghi nhận được cơn giật mình đó ngay lúc khám hoặc khi ở nhà trẻ có giật mình từ 2 lần trở lên trong vòng 30 phút. Hoặc bệnh nhân có bệnh sử có giật mình dưới 2 lần trong vòng 30 phút nhưng lại kèm theo 1 trong số các dấu hiệu sau:

Ngủ gà ngủ gật, lim dim

Nhịp tim nhanh hơn bình thường, có thể tăng trên 150 nhịp mỗi phút (nhịp tim tăng nhanh được đánh giá và kiểm tra ngay khi trẻ nằm yên và không bị sốt).

Trẻ sốt cao từ 39 độ C trở lên mà không thể cắt sốt nếu các loại thuốc hạ sốt thông thường.

Nhóm 2: trẻ bệnh có xuất hiện một trong các biểu hiện dưới đây:

Dấu hiệu thất điều: trẻ có biểu hiện run tay chân, run người, đứng hoặc ngồi không vững, đi loạng choạng.

Có triệu chứng rung giật nhãn cầu, lác mắt, nhìn mờ.

Tay chân yếu hoặc nặng hơn có thể bị liệt chi.

Liệt các dây thần kinh sọ não: biểu hiện trẻ có thể bị nuốt sặc, thay đổi giọng nói,…

Độ 3: Ở mức độ này, trẻ bị tay chân miệng sẽ có thêm các biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp dưới mức độ nặng hơn. Các biểu hiện có thể có là:

  • Mạch nhanh: mạch tăng trên 170 lần trên phút ( ngay cả khi khi trẻ đang nằm yên và không có biểu hiện sốt). Một số ít trường hợp thì trẻ có thể có biểu hiện mạch chậm mạch chậm, nếu có dấu hiệu này thì chứng tỏ trẻ đang diễn biến rất nặng, cơ thể suy sụp nên mạch bị giảm thấp.
  • Vã mồ hôi, chân tay lạnh hoặc toàn thân đều lạnh ngắt.
  • Huyết áp có xu hướng ngày càng tăng cao.
  • Trẻ thở nhanh, hoặc xuất hiện các kiểu thở bất thường: có các cơn ngưng thở, trẻ thở bụng thay vì thở ngực, nhịp thở nông, xuất hiện dấu hiệu rút lõm lồng ngực, thở khò khè, thở kèm theo tiếng rít thanh quản.
  • Trẻ bệnh có rối loạn tri giác.
  • Có dấu hiệu tăng trương lực cơ.

Tay chân miệng độ 4: Bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng và có xuất hiện triệu chứng sốc như:

  • Trẻ có biểu hiện mạch nhanh, huyết áp tụt, hoặc thậm chí nặng hơn thì cả mạch và huyết áp đều giảm xuống gần như không đo được.
  • Dấu hiệu phù phổi cấp, toàn thân tím tái, chỉ số SpO2 giảm dưới 92%.
  • Trẻ ngưng thở, thở dốc hay thở ngáp cá.

Đa số các trường hợp của bệnh tay chân miệng đều có xu hướng diễn biến nhẹ nhàng. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp khác thì bệnh lại có diễn biến khá nhanh, nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Ở nhiều trường hợp bệnh tay chân miệng diễn biến nặng, trẻ bệnh sẽ có thể gặp chuyển mức độ nhanh đột ngột, có khi bỏ qua độ 2 và trở thành độ 3 nhanh chóng, dẫn đến nguy cơ xuất hiện tình trạng suy hô hấp và tiến triển các biến chứng nặng rất nhanh. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ luôn luôn phải đặc biệt chú ý phòng bệnh cho trẻ thật tốt.

Hình ảnh của bệnh tay chân miệng
Hình ảnh của bệnh tay chân miệng

2, Nguyên nhân gây nên bệnh tay chân miệng là gì?

Tác nhân gây bệnh:

Tác nhân chính và thường gặp gây ra bệnh tay chân miệng là các virus thuộc nhóm Enterovirus. Nhóm này có thể bao gồm nhiều loại virus khác nhau như:

  • Poliovirus
  • Coxsackievirus
  • Echovirus

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới người ta thấy rằng, bệnh tay chân miệng đa số bị gây ra bởi virus Coxsackievirus nhóm A16, thể bệnh này thường có ít biến chứng và có thể tự động khỏi. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng cũng có thể bị gây ra bởi một số virus nhóm Enterovirus, trong đó có virus Enterovirus 71 (EV71), thể này lại có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm toàn thân và đôi khi còn có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Yếu tố nguy cơ của bệnh:

Tùy thuộc vào đối tượng bị bệnh là trẻ em hay người lớn mà sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau

  • Bệnh tay chân miệng ở trẻ em:

Trẻ em là độ tuổi có nguy cơ cao bị lây nhiễm virus và biểu hiện bệnh tay chân miệng nặng hơn so với các đối tượng là người lớn. Nguyên nhân chính là do ở trẻ, sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể khá yếu, dễ bị virus tấn công rồi gây bệnh. Bệnh tay chân miệng gặp nhiều ở những trẻ em dưới 10 tuổi và nhiều nhất là các trẻ nhỏ hơn 5 tuổi. Trẻ càng ít tuổi thì các biểu hiện của bệnh càng nặng nề và nguy hiểm hơn. Không phải tất cả trẻ đã nhiễm virus thì cũng đều có biểu hiện của tay chân miệng, đôi khi các trẻ đề kháng tốt sẽ không bị biểu hiện thành bệnh, cũng không gây nguy hiểm.

Tay chân miệng không phải là một bệnh lý có khả năng tạo miễn dịch bền vững. Vì vậy dù đã từng nhiễm bệnh này trước đó, bệnh nhân vẫn có nguy cơ mắc tay chân miệng trở lại nếu tiếp tục bị virus tấn công.

  • Bệnh tay chân miệng ở người lớn:

Không chỉ ở trẻ em mà tất cả các đối tượng khác dù đã từng mắc bệnh hoặc chưa đều có nguy cơ bị lây nhiễm virus nếu tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp qua các dụng cụ mà bệnh nhân chạm vào trước đó, từ đó biểu hiện bệnh tay chân miệng. Người trưởng thành vẫn có nguy cơ mắc bệnh như bình thường. Tuy nhiên hầu hết thanh thiếu niên và người trưởng thành đều có sức đề kháng tốt hơn nhiều so với trẻ em nên sẽ không có nhiều triệu chứng của bệnh, mức độ bệnh cũng nhẹ nhàng hơn nhiều so với trẻ em.

  • Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh tay chân miệng thì có nguy cơ lây nhiễm và truyền virus sang cho thai nhi ngay trước khi chuyển dạ hoặc trong khi sinh, gây nên bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh. Do đó các bà mẹ mang thai cần chú ý phòng tránh bệnh bằng hạn chế đến những nơi đông người khi có dịch hoặc tránh tiếp xúc gần gũi với trẻ em đang bị nhiễm bệnh.

3, Dấu hiệu của bệnh chân tay miệng

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan tương đối nhanh từ những giọt nước bọt, nốt phỏng nước và phân của trẻ nhiễm virus nên việc phát hiện các triệu chứng sớm của bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trên lâm sàng, các triệu chứng đặc trưng của bệnh có thể được biểu hiện qua 4 thời kỳ sau:

Thời kỳ ủ bệnh: Giai đoạn này kéo dài khoảng từ 3 cho đến 7 ngày, trẻ hầu như chưa có các triệu chứng cụ thể.

Thời kỳ khởi phát: Kéo dài từ 1 cho đến 2 ngày với các triệu chứng tương đối nhẹ nhàng như sốt nhẹ hoặc vừa, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, đi ngoài lần trong ngày.

Thời kỳ toàn phát: có thể kéo dài 3 đến 10 ngày hoặc hơn thế, với một số triệu chứng điển hình như:

  • Loét miệng: Bắt đầu xuất hiện các vết loét nhỏ màu đỏ hay các nốt phỏng nước đường kính to nhỏ không đều khoảng 2 đến 3mm ở niêm mạc vùng miệng, lợi, lưỡi, làm cho người bệnh cảm thấy đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú,…
  • Phát ban dưới dạng các nốt phỏng nước: Dấu hiệu này là biểu hiện rõ nhất và có giá trị nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Ban đầu, các nốt có dạng ban màu hồng và có đường kính nhỏ chỉ khoảng vài milimet, nổi gồ lên phía trên của bề mặt da ở các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mông. Sau đó, chúng tiến triển dần rồi trở thành các nốt dạng bọng nước. Bọng nước sẽ chứa đầy các chất dịch bên trong và có thể vỡ ra làm cho trẻ rất đau đớn và khó chịu. Chúng có thể để lại vết thâm sau khi khỏi, nhưng tình trạng này rất hiếm gặp, chỉ có khi các vết vỡ bọng nước bị loét hay bội nhiễm.
  • Trẻ có thể biểu hiện sốt nhẹ, kèm theo nôn trớ.
  • Trường hợp trẻ sốt cao và nôn nhiều sẽ dễ có nguy cơ xuất hiện các biến chứng. Biến chứng của bệnh có thể là biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp, chúng thường xuất hiện sớm từ ngày  thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh.

Thời kỳ lui bệnh: Thường duy trì kéo dài từ 3 cho đến 5 ngày. Sau đó trẻ hồi phục gần như là hoàn toàn nếu không có biến chứng gì nguy hiểm xảy ra.

Dấu hiệu của bệnh chân tay miệng
Dấu hiệu của bệnh chân tay miệng

4, Các biến chứng của bệnh tay chân miệng

Biến chứng trên hệ thần kinh

Một số các biến chứng biểu hiện trên hệ thần kinh của bệnh nhân bị tay chân miệng bao gồm các bệnh lý như: Viêm não, viêm màng não, viêm não tủy. Các bệnh lý này đều có những biểu hiện đặc trưng như sau:

  • Rung cơ hay giật cơ: Đây là tình trạng co giật từng cơn ngắn kéo dài từ 1 đến 2 giây, dấu hiệu này biểu hiện chủ yếu ở vùng tay và chân của trẻ. Tình trạng rung cơ hoặc giật cơ thường diễn ra khi trẻ bắt đầu đi vào giấc ngủ hay khi bố mẹ cho trẻ nằm ngửa.
  • Bứt rứt khó chịu, ngủ gà ngủ gật, tư thế chới với, run tay chân, đi đứng hoặc chạy loạng choạng, mắt nhìn ngược hoặc mắt lác.
  • Dấu hiệu rung giật nhãn cầu.
  • Biểu hiện tình trạng tăng trương lực cơ.
  • Yếu hoặc liệt các chi (liệt mềm), thậm chí liệt nửa người hoặc liệt toàn thân.
  • Tổn thương và liệt các dây thần kinh sọ não.
  • Hôn mê là một biến chứng nặng của bệnh. Khi bị hôn mê thì bệnh nhân sẽ thường kèm theo tình trạng suy hô hấp và suy tuần hoàn.

Biến chứng về tim mạch, hô hấp

Một số biến chứng về tim mạch, hô hấp của bệnh nhân bị tay chân miệng là: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, huyết áp cao, suy tim và trụy mạch. Những triệu chứng giúp chúng ta nhận biết các biến chứng này bao gồm:

  • Mạch nhanh (mạch thường tăng lớn hơn 150 lần trong 1 phút)
  • Thời gian đổ đầy mao mạch chậm (khám dấu hiệu refill cho kết quả trong 2 giây)
  • Các triệu chứng của tình trạng rối loạn vận mạch, da nổi vân tím, vã mồ hôi, chân tay lạnh ngắt. Những dấu hiệu này có thể chỉ khu trú tại một vùng cơ thể (tay hoặc chân,…) nhưng đôi khi bệnh quá nặng cũng có biểu hiện toàn thân.
  • Các biến chứng sớm của bệnh tay chân miệng có thể là huyết áp tăng cao:

Chỉ số huyết áp tâm thu tang trên 110mmHg đối với trẻ dưới 1 tuổi

Huyết áp tâm thu tăng trên 115 mmHg đối với trẻ từ 1 đến 2 tuổi

Huyết áp tâm thu tăng trên  120 mmHg đối với trẻ trên 2 tuổi.

Ở những bệnh nhân đến viện muộn, bệnh nặng hơn thì có thể không đánh giá được mạch và huyết áp của bệnh nhân.

  • Khó thở: Trẻ em thường thở nhanh hơn bình thường, nhịp thở nông, thở khò khè, rút lõm lồng ngực, có tiếng thở rít thanh quản, nhịp thở không đều.
  • Phù phổi cấp: Trẻ có thể bị sùi bọt hồng ở miệng, khó thở, da và niêm mạc tím tái, nghe phổi thấy có nhiều ran ẩm, nếu trẻ phải đặt nội khí quản thì có thể thấy nội khí quản có lẫn máu hoặc bọt hồng.
Viêm cơ tim là biến chứng của bệnh tay chân miệng
Viêm cơ tim là biến chứng của bệnh tay chân miệng

Biến chứng trên phụ nữ mang thai:

Có một số bằng chứng chỉ ra rằng nếu bà bầu bị nhiễm bệnh tay chân miệng trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ có nguy cơ cao dẫn đến tình trạng sảy thai. Trường hợp này không gặp nhiều nhưng phụ nữ khi mang thai vẫn nên phòng ngừa bệnh thật tốt bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với những người đang bị mắc virus.

Người mẹ bị mắc bệnh tay chân miệng khi mang thai cũng có nguy cơ lây bệnh cho con khi sinh đẻ gây bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh.

5, Chẩn đoán bệnh chân tay miệng như thế nào?

Chẩn đoán xác định:

Chủ yếu người ta dựa vào triệu chứng trên lâm sàng và yếu tố dịch tễ để chẩn đoán xác định bệnh tay chân miệng.

  • Yếu tố dịch tễ: Cần phải xác định và căn cứ vào độ tuổi của bệnh nhân, mùa, địa phương đang có dịch tay chân miệng lưu hành, số trẻ mắc bệnh trong cùng một thời gian.
  • Các triệu chứng lâm sàng điển hình như: Sốt kèm theo các nốt phỏng nước điển hình ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.
  • Xét nghiệm có thể xác định có vi rút gây bệnh hay không. Hiện nay người ta thường làm xét nghiệm định lượng EV71 để chẩn đoán bệnh tay chân miệng.

Chẩn đoán phân biệt: Bên cạnh việc xác định bệnh, để chắc chắn chẩn đoán đúng chúng ta cũng cần phân biệt bệnh tay chân miệng với một số bệnh lý khác như:

  • Các bệnh có biểu hiện loét miệng như: Viêm loét miệng họng, vết loét sâu, có dịch tiết, hay tái phát.
  • Các bệnh có biểu hiện phát ban trên da như:

Sốt phát ban: Tổn thương có dạng hồng ban đôi khi có thể xen kẽ thêm một ít tổn thương dạng sẩn, nổi hạch vị trí sau tai.

Dị ứng: Tổn thương dạng hồng ban biểu hiện rất đa dạng, không có xuất hiện các nốt phỏng nước.

Viêm da mủ: Trên vùng da tổn thương có viêm đỏ, đau nhiều, và có mủ.

Bệnh thuỷ đậu: Thủy đậu có biểu hiện các nốt phỏng nước đa dạng về lứa tuổi, kích thước, phân bố rải rác toàn thân và nhanh hóa mủ vàng.

  • Tình trạng nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu: Bệnh sẽ xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử vùng trung tâm
  • Bệnh sốt xuất huyết Dengue: Tổn thương có dạng các chấm xuất huyết, bầm máu, có thể kèm theo có dấu hiệu xuất huyết tại niêm mạc.
  • Ngoài ra cũng cần phân biệt bệnh tay chân miệng với viêm não-màng não do vi khuẩn hoặc các loại virus khác đặc biệt là trong các trường hợp có biến chứng thần kinh.
Chẩn đoán bệnh chân tay miệng như thế nào?
Chẩn đoán bệnh chân tay miệng như thế nào?

6, Điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?

Nguyên tắc điều trị:

  • Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu của bệnh tay chân miệng, mọi phương pháp điều trị chỉ là điều trị hỗ trợ để làm giảm các triệu chứng và biến chứng cho bệnh nhân.
  • Phải theo dõi sát bệnh nhân để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời biến chứng.
  • Không chỉ định dùng kháng sinh cho bệnh nhân nếu không có tình trạng nhiễm trùng xảy ra.
  • Kết hợp song song việc điều trị và bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.

Điều trị cụ thể: người ta sẽ dựa vào phân độ của bệnh mà có các cách điều trị phụ hợp như sau:

Bệnh tay chân miệng độ 1: chỉ cần điều trị ngoại trú tại nhà và theo dõi tại y tế cơ sở khi cần thiết.

  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nên căn cứ theo tuổi bệnh nhân để có chế độ ăn phù hợp. nếu trẻ vẫn còn bú mẹ thì cần tiếp tục cho trẻ dùng sữa mẹ.
  • Dung các thuốc hạ sốt khi trẻ có biểu hiện sốt cao, nên lựa chọn thuốc Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (đường uống) mỗi 6 giờ và kết hợp chườm ấm cho bệnh nhân.
  • Đảm bảo vệ sinh vùng răng lợi, miệng họng.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh kích thích về âm thanh, ánh sáng,…
  • Cho trẻ đi tái khám tại cơ sở y tế gần nhất mỗi 1-2 ngày trong 5-10 ngày đầu của bệnh.
  • Nếu trẻ có biểu hiện các dấu hiệu nặng của bệnh thì cần đưa trẻ đi tái khám ngay.

Bệnh tay chân miệng độ 2: cần phải điều trị nội trú tại bệnh viện.

  • Điều trị cơ bản tương tự như độ 1.
  • Nên cho bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao khoảng 30°, cổ thẳng.
  • Nếu bệnh nhân có khó thở nhiều hay thở nhanh thì cho thở oxy qua mũi với liều 3-6 lít/phút.
  • Điều trị chống co giật bằng Phenobarbital liều 10 mg/kg/lần đường tiêm bắp hoặc đường tĩnh mạch. Có thể lặp lại liều này sau 6-8 giờ nếu cần thiết.
  • Cho bệnh nhân dùng thêm Immunoglobulin nếu có điều kiện.
  • Trong quá trình điều trị cần theo dõi sát các chỉ số về mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác, các tiếng rale ở phổi 4- 6 giờ một lần.
  • Đo độ bão hòa oxy máu động mạch (SpO2) và theo dõi mạch liên tục trên monitor.

Bệnh tay chân miệng độ 3: Bệnh nhân cần điều trị nội trú tại bệnh viện

  • Cho bệnh nhân thở oxy qua mũi với liều 3-6 lít/phút. Nếu đã cho thở oxy mà tình trạng bệnh nhân vẫn không cải thiện thì đặt nội khí quản cho bệnh nhân.
  • Chống phù não.
  • Chống co giật bằng cách dùng Phenobarbital liều 10-20mg/kg pha trong dung dịch Glucose 5% để tiến hành truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân trong 30- 60 phút. Lặp lại liều này sau ít nhất 8 giờ nếu cần thiết.
  • Nếu bệnh nhân có tình trạng hạ đường máu thì có thể truyền dung dịch Glucose 30% liều 2 ml/kg/lần cho đến khi đường huyết ổn định trở lại.
  • Kiểm soát và cân bằng lại các rối loạn nước, điện giải, toan kiềm trong cơ thể.
  • Dobutamin có thể được sử dụng khi bệnh nhân có dấu hiệu suy tim mạch, mạch nhanh trên 170 lần/phút. Khi dùng dobutamin nên bắt đầu với liều khởi đầu là 5µg/kg/phút đường truyền tĩnh mạch rồi sau đó có thể tăng dần lên 1-2kg/phút mỗi 15 phút cho đến khi bệnh nhân ổn định trở lại. Không nên dùng quá 10µg/kg/phút.
  • Cho bệnh nhân dùng Immunoglobulin nếu cần thiết và bệnh nhân có đủ điều kiện
  • Theo dõi cẩn thận 2 giờ một lần các chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác, ran phổi, SpO2.

Bệnh tay chân miệng độ 4: bắt buộc phải điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương hoặc bệnh viện tỉnh nếu đủ điều kiện.

  • Điều trị cơ bản tương tự độ 3.
  • Chuẩn bị sẵn các phương tiện cấp cứu và hồi sức để cấp cứu cho bệnh nhân khi bệnh diễn biến nặng.
Điều trị nội trú bệnh tay chân miệng
Điều trị nội trú bệnh tay chân miệng

7, Cách phòng bệnh chân tay miệng

Nguyên tắc phòng bệnh:

  • Bệnh tay chân miệng là một bệnh phổ biến nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu.
  • Phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh đối với cả các bệnh lây qua đường tiêu hoá
  • Phải đặc biệt chú ý tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây bệnh.

Phòng bệnh tại các cơ sở y tế bằng các cách sau:

  • Cách ly bệnh nhân chặt chẽ theo các nhóm bệnh.
  • Nhân viên y tế khi làm việc bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân tay chân miệng.
  • Khử trùng và sát khuẩn tất cả bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh có bệnh nhân mắc tay chân miệng bằng dung dịch Cloramin B nồng độ 2%.
  • Xử lý các chất thải của bệnh nhân theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá của bộ y tế.

Phòng bệnh tại cộng đồng:

  • Mỗi người dân cần phải vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch thường xuyên bằng xà phòng (nhất là sau khi thay quần áo, tã cho trẻ hay  sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt của bệnh nhân tay chân miệng).
  • Thường xuyên rửa sạch các đồ chơi, vật dụng, lau rửa sàn nhà trẻ tránh tích tụ virus vi khuẩn gây bệnh. Có thể lau sàn nhà bằng các dung dịch khử khuẩn như Cloramin B 2%.
  • Thực hiện cách ly trẻ bị bệnh tại nhà. Tuyệt đối không cho trẻ đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên của bệnh vì khi đó nguy cơ lây lan bệnh cho các bạn xung quanh rất cao.
Cách phòng bệnh chân tay miệng
Cách phòng bệnh chân tay miệng

8, Một số câu hỏi liên quan

8.1 Trẻ bị bệnh tay chân miệng có cần kiêng tắm không?

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng nếu làm cho các nốt mụn nước bị vỡ thì trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm trùng nên họ cũng không muốn chạm hoặc sờ vào các nốt mụn để không làm chúng bị vỡ. Cũng chính vì vậy mà nhiều người luôn có suy nghĩ là cần kiêng nước, kiêng tắm cho bé luôn. Đây thật ra lại là một quan điểm hết sức sai lầm. Việc tránh không để cho các nốt mụn nước bị vỡ là không sai nhưng việc kiêng tắm cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì lại hoàn toàn không đúng. Nếu bố mẹ sợ và không cho bé tắm thì rất nhiều loại vi khuẩn trong môi trường xung quanh sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển, từ đó rất dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Điều quan trọng và đáng chú ý nhất khi trẻ bị bệnh tay chân miệng chính là các bố mẹ phải luôn cố gắng giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho chúng. Khi cơ thể và làn da của trẻ được giữ gìn và vệ sinh sạch sẽ thì sẽ giúp cho sức đề kháng của trẻ được tăng lên đáng kể, giúp chống lại các loại vi khuẩn hay virus gây bệnh. Do đó bố mẹ cần phải tắm rửa sạch sẽ hằng ngày cho bé để vi khuẩn không có cơ hội phát triển gây nên tình trạng nhiễm trùng.

Khi tắm cho trẻ, bố mẹ nên lựa chọn những nơi kín đáo, tránh hiện tượng gió lùa vì trẻ cần phải tránh gió. Hãy tắm rửa thật sạch sẽ cho trẻ bằng các loại xà phòng có tác dụng sát khuẩn nhẹ nhàng để loại bỏ hết các vi khuẩn gây bệnh bám trên da.

8.2 Bệnh tay chân miệng có tự khỏi được không?

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm có thể theo dõi và điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh này thường có thể tự khỏi sau từ 7 cho đến 10 ngày mà không gây ra các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.

Thế nhưng trong một số trường hợp bệnh mà không được phát hiện sớm hoặc người bệnh chủ quan về tình trạng của mình thì sẽ đáng lo hơn. Khi đó bệnh sẽ diễn biến nặng hơn và khi không được can thiệp điều trị kịp thời, bệnh dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng khác ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể. Vì vậy, khi phát hiện con mình có dấu hiệu của bệnh, tốt nhất là bố mẹ vẫn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám, khi đó thời gian hồi phục cũng rút ngắn hơn so với việc đợi chờ cho bệnh tự khỏi.

8.3 Biểu hiện giật mình của trẻ bị bệnh như thế nào?

Hiện tượng trẻ em bị giật mình không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên chúng ta cần chú ý những đặc điểm của triệu chứng giật mình trong bệnh tay chân miệng như sau:

Giật mình chới với: Khi mới bắt đầu đi vào giấc ngủ, trẻ tự nhiên giật nảy người, giơ hai tay hai chân lên cao, đồng thời trẻ cũng mở mắt nhìn một chút rồi sau đó lại ngủ lại bình thường. Các dấu hiệu này có thể xảy ra với tần suất ít hay nhiều tùy vào mức độ bị bệnh của trẻ.

Ngoài ra triệu chứng giật mình chới với cũng có thể biểu hiện kiểu khác ít đặc trưng hơn như sau:

Nhiều trẻ có dấu hiệu sợ nằm ngửa, khi ngủ luôn muốn ôm lấy mẹ để nằm nghiêng. Hoặc đôi khi trẻ kích động nhưng không dám khóc to vì sợ bác sĩ.

Khi ngủ trẻ thường xuyên lăn qua lăn lại do ngủ không ngon giấc. Thậm chí có trường hợp trẻ đang ngủ thì tỉnh dậy khóc một chút rồi lại ngủ tiếp.

8.4 Trẻ bị bệnh tay chân miệng nhưng không sốt có sao không?

Sốt là một triệu chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng nhưng không phải trẻ nào khi bị bệnh chân tay miệng cũng có biểu hiện bị sốt. Vẫn có một số có trẻ bị bệnh chân tay miệng nhưng lại không sốt và điều này cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến tình trạng bệnh lý của trẻ. Trong những trường hợp này các bố mẹ cũng không cần quá lo lắng vì nếu trẻ bị bệnh chân tay miệng mà có kèm theo triệu chứng sốt cao thì còn nguy hiểm hơn nhiều vì khi đó rất dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng nhưng không có biểu hiện sốt thì chứng tỏ bệnh của trẻ còn ở giai đoạn đầu, chưa quá nặng nên chúng ta không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu như trẻ có thêm các biểu hiện đặc biệt khác như: trợn ngược mắt, rung giật cơ tim, run tay chân, mạch nhanh, thở nhanh nông thì có thể trẻ đang gặp tình trạng rất nặng và khi đó bố mẹ cần phải đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời.

8.5 Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện vào mùa nào?

Theo như các thống kê người ta thấy rằng khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 (mùa xuân hè và mùa hè) là khoảng thời gian gặp nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhất. Trong khoảng thời gian này, với điều kiện thời tiết chuyển nóng, ẩm thì bệnh tay chân miệng sẽ có xu hướng gia tăng dần, nếu không có phương pháp phòng bệnh cũng như điều trị bệnh thật tốt thì bệnh rất dễ có khả năng lây lan trên diện rộng tạo thành dịch.

Do đó vào khoảng thời gian này, các bố mẹ hãy tự phòng bệnh cho con mình bằng các phòng bệnh hợp lý nhé.

Trên đây là một số thông tin về bệnh tay chân miệng. Đây là một bệnh lý phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em nên chúng ta không nên lơ là. Ameriver hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức về bệnh, từ đó có các cách phòng bệnh hiệu quả, xin cảm ơn.

Xem thêm:

Bệnh Zona thần kinh là gì? Nguy hiểm không? Nguyên nhân, Cách điều trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *