Liệt dây thần kinh số 7 là gì? Hình ảnh, nguyên nhân, cách điều trị

Liệt dây thần kinh số 7 là gì? Nguyên nhân, cách điều trị

Liệt dây thần kinh số 7 là một bệnh lý về thần kinh hay gặp ở nhiều đối tượng. Bệnh đặc trưng bởi nhiều triệu chứng điển hình. Để các bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này cũng như cách phòng bệnh, các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.

1, Liệt dây thần kinh số 7 là gì?

Dây thần kinh số 7 là một dây thần kinh chi phối sự vận động của các cơ vùng mặt của con người. Do đó có thể hiểu rằng liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng liệt chức năng vận động của các cơ vùng mặt.

Vùng mặt là một phần hở, có nhiều cơ và dây thần kinh. Các cơ chi phối chức năng chính và rõ ràng bên ngoài mà chúng ta dễ dàng thấy được bao gồm cơ nâng mi, cơ vòng mi, cơ quanh môi, cơ cắn, cơ cười, cơ cằm,… Các cơ này vận động bình thường sẽ giúp chúng ta giữ được trạng thái cân đối của khuôn mặt. Nếu vì một nguyên nhân nào đó làm tổn thương đến dây thần kinh số 7 thì sẽ làm mất chức năng bình thường của các cơ, làm cho mặt bệnh nhân bị mất cân bằng, có thể là bị lệch hay các triệu chứng đặc hiệu.

Dây thần kinh số 7 gồm 2 phần là dây thần kinh số 7 trung ương và dây thần kinh số 7 ngoại biên. Tùy theo tổn thương trung ương hay ngoại vi mà sẽ có các biểu hiện thực tế khác nhau trên khuôn mặt. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là trường hợp tổn thương gây mất vận động một phần hay hoàn toàn các cơ ở một nửa mặt.

Liệt dây thần kinh số 7 được biến đến như một loại tổn thương liên quan đến não bộ của bệnh nhân. Ở những người bị liệt dây thần kinh số 7 trung ương sẽ có các dấu hiệu ở mặt giống như trường hợp liệt 7 ngoại biên (nhưng thường chỉ tổn thương gây lệch mặt ở ¼ dưới chứ không gây liệt nửa mặt như dây 7 ngoại biên). Nhưng thêm vào đó người bệnh có thể có kết hợp thêm các triệu chứng nặng khác như liệt chân tay, đột quỵ hay, các di chứng nặng nề khác.

2, Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh số 7

Liệt dây thần kinh số 7 là một bệnh lý rất phổ biến hiện nay. Trên thực tế thấy rằng, tuy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này nhưng nguyên nhân chủ yếu (chiếm hơn 75% các trường hợp liệt mặt) là do bệnh nhân bị nhiễm lạnh một cách đột ngột.

Để dễ hiểu hơn các bạn hãy tưởng tượng là vào mùa đông, khi các bạn đang nằm trong chăn ấm mà tự nhiên bạn lại chạy ra ngoài trời đang mưa lạnh hay bạn đi tắm nước lạnh,… khi đó nhiệt độ cơ thể sẽ bị giảm nhanh bất ngờ, dẫn đến tình trạng méo miệng, tê mặt,… Đó chính là các dấu hiệu của liệt dây thần kinh số 7.

Hay thậm chí ngay cả khi đang là mùa hè, khi cơ thể đang nóng do ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường, các bạn lại đột nhiên đi tắm sẽ dễ làm cho luồng khí lạnh đi vào cơ thể đột ngột dẫn đến nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Ngoài ra liệt dây thần kinh số 7 cũng có thể do các nguyên nhân ít gặp khác như do chấn thương vùng đầu mặt, do viêm nhiễm vùng tai, xương hàm,… gây ảnh hưởng gián tiếp tới dây thần kinh số 7.

Tình trạng liệt dây thần kinh số 7 sẽ hay gặp hơn ở một số đối tượng có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Những người bị bệnh suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS hay hệ miễn dịch kém. Người thường xuyên bị đau ốm, vẻ ngoài nhìn gầy guộc xanh xao.
  • Những người phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai. Nguyên do chính là khi mang thai sức đề kháng của người phụ nữ sẽ bị giảm đi một cách đáng kể.
  • Những người lười vận động, ít khi tập luyện thể dục thể thao, không thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
  • Những người có tiền sử các về huyết áp, tim mạch hay các bệnh nhân bị xơ vữa động mạch.
  • Những người có thói quen thức khuya, tinh thần luôn rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức, stress, khủng hoảng,.. có thể do yếu tố công việc hay các mối quan hệ gây nên.
  • Những người nghiện và thường xuyên sử dụng rượu bia hay các chất kích thích khác.
  • Những người hay đi làm về muộn hoặc làm các công việc có tính chất đặc biệt dễ bị nhiễm lạnh.
Biểu hiện liệt dây thần kinh số 7
Biểu hiện liệt dây thần kinh số 7

3, Triệu chứng của liệt dây thần kinh số 7 là gì?

Các triệu chứng đó có thể là:

  • Đột ngột bị méo miệng: Miệng bệnh nhân bị lệch hẳn sang 1 bên. Bệnh nhân thấy vướng víu và khó khăn trong việc nhai, nuốt thức ăn, uống nước. Đôi khi thức ăn và nước còn có thể bị chảy ra ngoài do bệnh nhân không thể khép kín 2 môi được.
  • Một bên mặt bị co kéo: Bệnh nhân soi gương và thấy mặt của mình bị lệch sang một bên. Kể cả các bộ phận như cằm, mũi, mắt cũng đều bị kéo lệch sang một bên.
  • Bệnh nhân không thể nhắm kín mắt: Bệnh nhân cố gắng nhắm nhưng bên bị lệch, mắt không thể khép kín như bình thường được.

Để chắc chắn trong việc chẩn đoán, ngoài việc hỏi bệnh nhân về các triệu chứng trên, các bác sĩ có thể thăm khám lâm sàng với các dấu hiệu sau:

  • Dấu hiệu Charles bell: bệnh nhân nhắm mắt và quan sát xem độ kín của mi trên và mi dưới. Đối với trường hợp liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, người bệnh không thể nhắm kín mắt, 2 mí không khép chặt vào với nhau. Để đánh giá có thể so sánh 2 bên mắt để thấy rõ sự khác biệt giữa bên lành và bên bị liệt.
  • Các bác sĩ cũng sẽ quan sát tổng thể khuôn mặt của bệnh nhân: Ở trạng thái bình thường, mặt của bệnh nhân bị mất cân xứng, toàn bộ hay một nửa dưới mặt bị kéo lệch về bên lành, các nếp nhăn vùng trán bị xóa mờ so với bên đối diện, cung lông mày bị rũ xuống thấp hơn, vùng mép bên bị liệt kéo thấp hơn hẳn so với bên kia, má bị xệ và nhẽo.
  • Đối với các trường hợp tổn thương nhẹ nhàng, các triệu chứng không rõ ràng, cần quan sát kỹ để có thể thấy được dấu hiệu mắt không kín khi nhắm chặt mi mắt, lông mi bên liệt dài hơn bên lành do bị kéo cơ nâng mi.

Ngoài việc đánh giá trực tiếp khuôn mặt bệnh nhân. Các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các tổ chức và vùng xung quanh để đánh giá tổn thương liên quan như:

  • Kiểm tra tai: Đôi khi trong một số trường hợp sẽ thấy có các nốt mụn, nhọt vùng tai, chảy dịch trong ống tai và tình trạng màng nhĩ có bị căng phồng. Những dấu hiệu này cho phép các bác sĩ hướng tới việc chẩn đoán nguyên nhân gây liệt mặt do bệnh vùng tai.
  • Kiểm tra vùng hầu họng: Sờ kiểm tra vùng cổ mặt và soi họng bệnh nhân để loại trừ các bệnh lý liên quan đến các khối u vùng cổ mặt và khối u tuyến mang tai.
  • Khám các dấu hiệu tổn thương thần kinh: có thể khám xem bệnh nhân có kèm theo dấu hiệu liệt các vị trí khác không, kiểm tra cảm giác các bộ phận cơ thể để đánh giá các tổn thương phối hợp của bệnh nhân.

Hầu hết các trường hợp chỉ cần dựa vào các dấu hiệu kể trên là có thể chẩn đoán bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7. Tuy nhiên trong các trường hợp cần thiết vẫn cần chỉ định thêm một số phương pháp cận lâm sàng như:

  • Chụp cộng hưởng từ sọ não có mạch máu não: Phương pháp này được sử dụng với mục đích để phân biệt bệnh nhân bị tổn thương tại dây thần kinh số 7 trung ương hay ngoại vi.
  • Các xét nghiệm tổng quát thường quy: Công thức máu, định lượng đường huyết, xét nghiệm máu lắng, sinh hóa máu,… để kiểm tra tình trạng chung của bệnh nhân.

4, Phân biệt liệt dây thần kinh số 7 trung ương và ngoại vi như thế nào?

Phân biệt liệt dây thần kinh số 7 trung ương và ngoại vi như thế nào?
Phân biệt liệt dây thần kinh số 7 trung ương và ngoại vi như thế nào?

Các điểm giống nhau:

Liệt vùng ngoại vi và trung ương đều có biểu hiện giống nhau ở vùng ¼ bên dưới của mặt với các dấu hiệu như: Miệng và nhân trung bị kéo lệch sang một bên (bên bị lệch là bên mà dây thần kinh không bị tổn thương). Các dấu hiệu đó rõ ràng nhất những lúc bệnh nhân cười, nói, các biểu hiện thổi lửa và huýt sáo bệnh nhân không làm được, Khi uống nước sẽ bị chảy trào ra ngoài, ăn thức ăn bị đọng bị kẹt ở khe răng và má bên liệt.

Các điểm khác nhau:

Đặc điểmLiệt dây 7 trung ươngLiệt dây 7 ngoại biên
Nguyên nhân hay gặpCác bệnh lý liên quan đến não bộ như tai biến mạch máu não, các khối u tồn tại ở não, abces tạo các thùy não.
  • Do lạnh là hay gặp nhất
  • Do các bệnh lý vùng tai, xương chũm, xương đá.
  • Các chấn thương vùng đầu mặt hay các khối u chèn ép đến dây thần kinh.
Vị trí tổn thương dây thần kinhCác tổn thương bắt đầu ở các vị trí phía bên trên nhân dây thần kinh.Tổn thương từ nhân trở xuống dưới
Vị trí liệt tại mặtChỉ liệt ¼ bên dưới của mặtLiệt cả một nửa mặt theo chiều dọc
Dấu hiệu charles bellMắt vẫn nhắm kín bình thườngMắt nhắm không kín, mí trên và mi dưới không khép được lại với nhau.
Quan sát nếp nhăn trán bên liệtVẫn bình thườngNếp nhăn bị mờ hoặc mất hẳn
Dấu hiệu liệt nửa người kèm theoNếu có, bệnh nhân thường có biểu hiện liệt nửa người cùng bên với bên liệt mặt.Nếu có thì có liệt nửa người đối bên với bên liệt mặt.
Diễn biến và tiên lượng của bệnh
  • Có thể khỏi
  • Đôi khi để lại một số di chứng nhẹ nhưng không ảnh hưởng tới sự co của các cơ vùng mặt bên liệt.
  • Có thể khỏi
  • Đôi khi để lại di chứng. Trường hợp bệnh tiến triển nặng có thể làm cho các cơ bị co kéo lâu dài gây lệch mặt mãi mãi.

 

5, Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không?

Nhiều bệnh nhân khi bị liệt dây thần kinh số 7 (liệt mặt) sẽ đến gặp bác sĩ sớm khi mới có các biểu hiện nhẹ nhàng. Những bệnh nhân đó sẽ được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, khả năng phục hồi khá cao và nhanh.

Tuy nhiên một số trường hợp khác bệnh nhân lại chủ quan và đến khám muộn hơn, khi đó việc điều trị cũng khó khăn hơn. Nhiều trường hợp bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Các biến chứng về mắt: Bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng gây viêm giác mạc hay viêm kết mạc mắt, thậm chí còn có thể bị loét giác mạc, lộn mí. Các biến chứng tại mắt này thường không quá nặng nề và có thể phòng tránh bằng các loại thuốc nhỏ mắt, đeo kính, khâu sụn mí,…
  • Mất đồng vận các cơ 2 bên mặt: Biến chứng này biểu hiện là tình trạng các cơ co trong trạng thái không tự chủ và phối hợp với các hoạt động tự chủ bình thường bên còn lại tạo nên các động tác bất thường như mép bị kéo lệch sang 1 bên khi bệnh nhân nhắm mắt. Khi có biến chứng này thông thường phương pháp phục hồi chức năng là khả quan nhất.
  • Co cơ nửa mặt kéo dài sau liệt dây thần kinh số 7: Biến chứng co cơ chỉ gặp ở những bệnh nhân nặng do có tổn thương dây thần kinh rồi sau đó phân bố lại thần kinh một phần.
  • Hội chứng nước mắt cá sấu: Biến chứng này không phổ biến tuy nhiên vẫn có thể gặp. Hội chứng nước mắt có thể biểu hiện chảy nước mắt không tự chủ ngay cả khi bệnh nhân đang ăn.

6, Điều trị liệt dây thần kinh số 7 như thế nào?

Cách điều trị liệt dây thần kinh số 7
Cách điều trị liệt dây thần kinh số 7

Tuỳ theo mức độ tổn thương và liệt của bệnh nhân mà người ta sẽ chọn các phương pháp điều trị phù hợp nhất. Có thể là điều trị theo y học cổ truyền hoặc can thiệp các phương pháp y học hiện đại

Điều trị theo y học cổ truyền

Y học cổ truyền thường mang lại hiệu quả cao trong điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Theo y học cổ truyền, việc điều trị tình trạng liệt dây thần kinh số 7 sẽ dựa vào nguyên nhân gây nên bệnh mà sử dụng các huyệt đạo rồi châm cứu như sau:

  • Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh: Y học cổ truyền xếp bệnh này vào nhóm bệnh trúng phong hàn ở các đường kinh lạc.

Hướng điều trị chủ yếu của chứng này là khu phong, tán hàn, thông kinh, hoạt lạc.

Các huyệt được sử dụng để Châm tả là: Toản trúc, xuyên tình minh, Ty trúc không, Dương bách xuyên, Ngư yêu, Thừa khấp, Đồng tử liêu, Nghinh hương, Địa thương xuyên Giáp xa, Quyền liêu, Ế phong, Hợp cốc. Sử dụng phương pháp ôn châm hoặc cứu.

Thực hiện hằng ngày hoặc cách ngày bằng cách châm một lần duy trì từ 15 cho đến 30 phút. Nên kết hợp với điện châm để tăng hiệu quả điều trị. Nếu có thể kết hợp với phương pháp thủy châm thì hiệu quả lại càng nhanh hơn.

  • Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm khuẩn vùng lân cận: Y học cổ truyền xếp bệnh này vào nhóm trúng phong nhiệt ở các đường kinh lạc.

Hướng điều trị chính của bệnh là khu phong, thanh nhiệt, hoạt huyết (nếu bệnh nhân có kèm theo triệu chứng sốt) rồi sau đó Khu phong, bổ huyết, hoạt lạc (khi bệnh nhân đã hết sốt)

Lựa chọn phương pháp châm tả cá huyệt là: Toản trúc xuyên, Tình minh, Ty trúc không, Dương bách xuyên, Ngư yêu, Thừa khấp, Đồng tử liêu, Nghinh hương, Địa thương xuyên Giáp xa, Quyền liêu, Ế phong, Hợp cốc. Có thể châm thêm các huyệt như Khúc trì, Nội đình khi cần thiết.

Thực hiện châm mỗi ngày ngày hoặc cách ngày, châm 1 lần duy trì từ 15 cho đến 30 phút. Có thể kết hợp dùng điện châm tả mạnh để đạt hiệu quả nhanh hơn.

  • Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do chấn thương: Y học cổ truyền xếp bệnh này vào nhóm bệnh Ứ huyết ở các đường kinh lạc.

Hướng điều trị chính là hoạt huyết, hành khí.

Áp dụng châm tả một số huyệt như: Toản trúc xuyên, Tình minh, Ty trúc không, Dương bách xuyên, Ngư yêu, Thừa khấp, Đồng tử liêu, Nghinh hương, Địa thương xuyên Giáp xa, Quyền liêu, Ế phong, Hợp cốc. Châm tả các huyệt Huyết hải, Túc tam lý.

Thực hiện châm cứu mỗi ngày hoặc cách ngày, châm 1 lần duy trì từ 15 cho đến 30 phút.

Nếu bệnh nhân có liệt dây 7 ngoại biên dai dẳng thì nên kết hợp châm cứu với thủy châm hoặc xoa bóp, điện phân,… để hiệu quả điều trị nhanh hơn.

Lưu ý: Liệt dây thần kinh số 7 trung ương không được khuyến khích dùng phương pháp đông y để điều trị.

Điều trị theo các phương pháp hiện đại

Khi bệnh nhân nhập viện với tình trạng bị liệt dây thần kinh số 7, thông thường các bác sĩ điều trị sẽ chỉ định điều trị nội khoa trước, sau đó có thể kết hợp với các phương pháp điều trị ngoại khoa để đạt được hiệu quả nhanh chóng và toàn diện cho bệnh nhân. Tùy theo từng trường hợp bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay trung ương mà có hướng điều trị khác nhau như sau:

  • Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên: Trước tiên sẽ có các chỉ định điều trị nội khoa, người bệnh sẽ được cho sử dụng các loại thuốc nhóm corticoid sớm, liều cao ngay từ đầu ( người ta thường lựa chọn dùng 1mg prednisolon/kg đối với người lớn). Tuy nhiên cũng cần chú ý một số chống chỉ định của loại thuốc này như bệnh đái tháo đường, loét dạ dày tá tràng, rối loạn tâm thần,… để tránh gây nặng bệnh cho bệnh nhân.

Ngoài ra có thể cho bệnh nhân sử dụng thêm một số loại thuốc chống virus, đặc biệt là trong những trường hợp có bệnh cảnh nhiễm virus hay đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác vùng mặt. Các phương pháp điều trị ngoại khoa cũng được ưu tiên kết hợp. Các phương pháp như vật lý trị liệu phục hồi chức năng, châm cứu cùng với các bài tập cơ mặt sẽ giúp cho bệnh nhân cải thiện nhanh hơn.

  • Liệt dây thần kinh số 7 trung ương: trong trường hợp này các bác sĩ cần phải xác định được nguyên nhân gây ra tổn thương trung ương tại não là do đâu: khối u chèn ép, nhồi máu não hay xuất huyết vùng thân não (vị trí xuất phát hoặc xung quanh nhân của dây thần kinh số 7)… để có hướng điều trị đúng. Khi đó chủ yếu phải dùng các phương pháp can thiệp ngoại khoa để loại bỏ nguyên nhân gây nên bệnh.

7, Phòng bệnh liệt dây thần kinh số 7 như thế nào?

Từ những nguyên nhân gây ra bệnh mà người ta có cách cách phòng bệnh hiệu quả. Các bạn có thể tham khảo một số cách phòng bệnh dưới đây:

  • Luôn đảm bảo giữ ấm cho cơ thể, nhất là khi trời lạnh để tránh tình trạng cơ thể bị nhiễm lạnh. Bất kể khi nào như khi đi tàu xe, hay khi ngủ các bạn cũng nên chọn các vị trí ít gió hoặc hãy đóng kín cửa. Hạn chế đi ra ngoài hay đi chơi đêm muộn vì khi đó sẽ lạnh hơn và nhiều gió hơn. Vào mùa nóng, các bạn cũng không nên để quạt hay máy điều hòa thổi thẳng vào mặt khi đi ngủ.
  • Điều trị sớm và triệt để các bệnh nguyên nhân dễ gây nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 như các bệnh viêm nhiễm ở vùng tai, mũi, họng và phòng tránh chấn thương sọ não ở vùng xương thái dương, xương chũm,…
  • Khi đã phát hiện mình bị liệt dây thần kinh số 7, các bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa thần kinh sớm để được khám và được các bác sĩ tìm đúng nguyên nhân gây bệnh, chỉ định dùng thuốc điều trị bệnh kịp thời hiệu quả.

8, Các câu hỏi thường gặp

8.1. Liệt dây 7 ở trẻ em có nguy hiểm không?

Liệt dây 7 ở trẻ em có nguy hiểm không?
Liệt dây 7 ở trẻ em có nguy hiểm không?

Trẻ em là đối tượng ít khi gặp tình trang liệt dây thần kinh số 7, tuy nhiên vẫn có thể gặp tình trạng này. Nếu chỉ liệt mức độ nhẹ thì trẻ có khả năng hồi phục và đáp ứng điều trị nhanh, tốt. Nhưng những trường hợp bệnh phức tạp hơn thì chúng ta cũng nên thận trọng. Trẻ em là độ tuổi đang phát triển, do đó những bất thường xảy ra dễ làm ảnh hưởng tới sự hoàn thiện của trẻ gây nên nhiều biến chứng tồn tại lâu và ảnh hưởng về nhiều mặt đối với trẻ. Vì vậy nếu thấy con mình có dấu hiệu của liệt dây thần kinh số 7, cha mẹ nên đưa con đi khám sớm để được điều trị triệt để.

Trên đây là một số thông tin về tình trạng liệt dây thần kinh số 7. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích đối với các bạn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.

8.2. Liệt dây 7 có tự khỏi được không?

Không giống như những tổn thương về thần kinh khác, hầu hết các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 không có khả năng tự khỏi được. Một khi đã bị liệt dây 7, bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị đúng cách thì tỷ lệ hồi phục hoàn toàn mới cao. Kể cả khi bệnh nhân đã được điều trị vẫn có thể để lại di chứng. Vì vậy mà nếu bị liệt dây 7 không điều trị, bệnh vừa không khỏi mà thậm chí còn nặng nề hơn với nhiều biến chứng khác. Trong các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 trung ương kèm theo với các yếu tố nguyên nhân khá thì khi điều trị hết nguyên nhân liệt mặt sẽ tự hết.

8.3. Liệt dây 7 có tái phát không?

Người ta ghi nhận rằng các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 trên cùng một bệnh nhân không có sự liên quan với nhau. Nghĩa là một người có thể bị liệt mặt nhiều lần nhưng các lần đó không có liên quan gì tới nhau.

Một người có thể bị liệt dây 7 nhiều lần nếu vẫn có các yếu tố nguy cơ của bệnh.

8.4. Liệt dây 7 nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Khi bị liệt dây thần kinh số 7, bệnh nhân nên được đảm bảo đủ nguồn năng lượng cần thiết mỗi ngày. Bệnh nhân bị ảnh hưởng các cơ nhai nên việc ăn uống cũng có phần bất tiện.

  • Nên cho bệnh nhân ăn các loại thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt và dễ hấp thu.
  • Các loại thịt đỏ cũng nên được bổ sung đầy đủ vào mỗi bữa ăn của bệnh nhân.
  • Nên lựa chọn các loại đồ ăn có tính ấm để bệnh nhân ăn.
  • Khi ăn nên hâm nóng lại đồ ăn, uống nước ấm.
  • Tuyệt đối không dùng các loại thực phẩm đông lạnh hay có tính lạnh vì chúng sẽ làm cho tình trạng bệnh tồi tệ hơn.
  • Các chất kích thích cũng cần được hạn chế tới mức tối thiểu. Bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu, bia, chất có cồn,…

8.5. Liệt dây 7 có phải là tai biến không?

Trong trường hợp liệt dây thần kinh số 7 đơn thuần, nhất là liệt dây 7 ngoại biên thì không được xếp vào nhóm tai biến. Đó chỉ là những biểu hiện tổn thương dây thần kinh do có các yếu tố nguy cơ từ bên ngoài.

Trong trường hợp liệt dây thần kinh số 7 trung ương, bệnh nhân thường có nguyên nhân là tổn thương cục bộ hay toàn thể tại não. Nếu tổn thương đó là tai biến (nhồi máu não hay xuất huyết não) thì khi đó liệt dây 7 cũng là một triệu chứng của tai biến đó.

Xem thêm:

Quản lý giai đoạn thứ ba của quá trình chuyến dạ sau sinh ngả âm đạo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *