Alzheimer là một bệnh lý mà trước đây rất hay gặp ở người lớn tuổi, nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa hơn. Vậy bệnh này là gì, có nguy hiểm gì không và cách điều trị bệnh như thế nào. Ameriver mời các bạn cùng tham khảo và giải đáp thắc mắc trong bài viết dưới đây nhé.
1, Bệnh Alzheimer là gì?
Bệnh Alzheimer là một bệnh lý tại não và gây ảnh hưởng nhiều đến trí nhớ, suy nghĩ cũng như hành vi của người bệnh. Bệnh Alzheimer không được xếp vào nhóm là bệnh lão khoa thông thường hoặc bệnh thần kinh, nó được đặt riêng ra để nghiên cứu và điều trị.
Alzheimer là một bệnh ngày càng phổ biến trên thế giới. Theo nhiều nghiên cứu người ta thấy rằng có hơn 5 triệu cư dân tại Mỹ đang phải đối mặt với bệnh này. Ở Việt Nam, số trường hợp được chẩn đoán Alzheimer cũng ngày càng nhiều hơn.
Trong hội chứng suy giảm trí nhớ ở người, Alzheimer là bệnh lý hay gặp nhất. Hội chứng suy giảm trí nhớ là một định nghĩa để nói về tình trạng mất trí nhớ và suy giảm các khả năng tư duy. Tình trạng này đôi khi có thể nghiêm trọng đến nỗi gây trở ngại cho cuộc sống thường ngày. Bệnh Alzheimer chiếm tỷ lệ khoảng 70% đến 80% các trường hợp bệnh làm suy giảm trí nhớ.
Bệnh Alzheimer là một bệnh lý mà một khi đã chẩn đoán xác định bệnh sẽ là một thử thách khó khăn, không chỉ người bệnh mà cả người thân hay người chăm sóc người bệnh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, về cả mặt tâm lý và sức khỏe. Việc chăm sóc bệnh nhân bị Alzheimer thường rất khó khăn và tốn kém. Không những thế, nhiều gia đình hay bạn bè giúp đỡ trong quá trình trông nom người bệnh thường phải trải qua những cảm xúc vô cùng căng thẳng, mệt mỏi, áp lực và rất dễ dẫn đến bệnh trầm cảm.
Bệnh Alzheimer sẽ có xu hướng nặng và phức tạp dần theo thời gian và cuối cùng là gây tử vong cho người bệnh. Với các trường hợp khác nhau thì các triệu chứng có thể rất khác nhau, những dấu hiệu chứng đầu tiên mà nhiều người đều nhận thấy chính là tình trạng hay quên. Bệnh nhân thường quên nhiều, đãng trí, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động khi họ ở nhà, tại nơi làm việc hay cả những lúc tận hưởng sở thích riêng.
Những triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện như lú lẫn, đi lạc ở những nơi quen thuộc mà không nhận ra, để đồ đạc không đúng chỗ và gặp khó khăn và bất tiện kể cả khi nói và viết.
2, Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh
Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer
Cho đến nay các nguyên nhân gây nên bệnh Alzheimer vẫn chưa được xác định một cách chính xác và rõ ràng. Theo một số nghiên cứu thì một số nhà khoa học đã đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân dẫn tới bệnh Alzheimer như sau:
- Do sự ứ đọng và tích lũy của một loại protein ở trong não, chúng gây nên tình trạng các tế bào não bị chết dần mà không rõ cơ chế.
- Do quá trình lão hóa trong cơ thể đã dẫn tới sự phá hủy các bao myelin ở các sợi thần kinh làm giảm quá trình dẫn truyền thần kinh. Và cuối cùng sẽ làm chết các tế bào thần kinh.
- Do sự rối loạn trong quá trình sản xuất và hoạt động của các chất oxy hóa trong cơ thể.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh Alzheimer
Bên cạnh những nguyên nhân đã kể ở trên thì bệnh Alzheimer cũng có một số nguy cơ khiến người ta dễ mắc bệnh hơn như:
- Tuổi cao: do các tế bào thần kinh sẽ chết dần theo tuổi
- Yếu tố gia đình: tuy chưa có kết luận khẳng định nhưng người ta thấy rằng những người có người thân ruột trong gia đình mắc bệnh sẽ có nguy cơ cũng mắc bệnh.
- Những người bị bệnh down
- Giới: Nữ giới thường bị bệnh nhiều hơn nam giới
- Tiền sử chấn thương sọ não gây tổn thương não nhiều.
- Những người mắc bệnh trầm cảm khi tuổi đã cao trên 65 tuổi.
- Người ít vận động và chế độ ăn uống thiếu chất xơ như rau xanh, trái cây.
- Không hay tham gia các hoạt động kích thích trí não như: đọc sách, chơi trò chơi liên quan tới trí não
- Mắc các bệnh lý về hệ tim mạch, tăng mỡ máu, tiểu đường và hút thuốc lá thường xuyên,…
3, Các giai đoạn của bệnh Alzheimer
Alzheimer là một bệnh có diễn biến từ từ, bệnh có thể tuần tự trải qua các giai đoạn dưới đây:
Giai đoạn trước khi mất trí nhớ:
- Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khó khăn trong việc ghi nhớ các sự kiện xảy ra trong thời gian gần đây và gặp khó khăn trong việc tiếp thu thêm các thông tin mới.
- Giảm đáng kể khả năng tập trung, chú ý, luôn trong trạng thái thờ ơ với mọi việc.
- Giảm các chức năng lập kế hoạch và tư duy theo logic hay trừu tượng.
- Có sự suy giảm nhận thức ở mức độ nhẹ.
Giai đoạn nhẹ:
- Tình trạng suy giảm về trí nhớ ngày càng tăng và có sự giảm sút về khả năng học hỏi.
- Có thể xuất hiện các dấu hiệu suy giảm chức năng về ngôn ngữ như có các biểu hiện giảm, thiếu vốn từ, không còn lưu loát khi nói, giảm khả năng nói và viết để biểu thị ý kiến của bản thân.
- Bắt đầu quên một số việc đã xảy ra trong quá khứ, quên cách sử dụng một vật dụng nào đó, bệnh nhân có cố gắng nhớ lại nhưng rất mơ hồ.
- Bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rối loạn phức tạp như khó phối hợp các động tác trong vận động nhưng triệu chứng này thường nhẹ nhàng và dễ bị bỏ sót.
Giai đoạn khá nặng:
- Bệnh nhân sẽ mất dần khả năng thực hiện các hoạt động vận động sinh hoạt hàng ngày, cần có sự hỗ trợ của người cùng chung sống.
- Gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ, biểu hiện rõ hơn giai đoạn trên: bệnh nhân không nhớ được các từ vựng cơ bản, dùng sai từ để diễn tả ý kiến, luôn phải cố gắng suy nghĩ tìm từ ngữ để diễn tả những điều muốn biểu đạt, khả năng đọc viết dần bị mất đi.
- Giảm chức năng phối hợp vận động mà mọi người xung quanh có thể phát hiện thấy rõ ràng, nhất là khi bệnh nhân phải thực hiện những động tác phức tạp, bệnh nhân dễ bị ngã khi thực hiện các động tác đó.
- Tình trạng giảm trí nhớ trở nên nghiêm trọng hơn, ở giai đoạn này người bệnh có thể không nhận ra được người thân, bạn bè, thế giới bị thu hẹp lại chỉ còn bản thân mình.
- Có sự thay đổi trong hành vi: bệnh nhân sẽ thường xuyên đi lang thang, tâm trạng khó chịu, tính khí trở nên hung hăng, phản kháng lại sự chăm sóc của người thân. Đây là thời gian mà mọi người xung quanh bắt đầu gặp khó khăn trong việc chăm sóc và thích nghi với người bệnh.
- Bệnh nhân có thể xuất hiện hội chứng thay đổi tính khí lúc hoàng hôn.
- Một số trường hợp bệnh nhân có thể xuất hiện ảo giác
Giai đoạn nặng:
- Bệnh nhân bị mất hoàn toàn khả năng sinh hoạt hàng ngày, họ bắt buộc phải phụ thuộc vào người thân hay người chăm sóc.
- Khả năng sử dụng ngôn ngữ giảm nhiều, bệnh nhân chỉ còn nói được những cụm từ đơn giản, thậm chí là những từ đơn, giai đoạn cuối cùng sẽ là mất hoàn toàn khả năng sử dụng ngôn ngữ.
- Thờ ơ với mọi vật xung quanh và luôn cảm thấy kiệt sức.
- Bắt đầu bị thoái hóa các tổ chức cơ làm cho bệnh nhân phải nằm liệt giường và mất khả năng tự ăn uống, sinh hoạt.
- Cuối cùng bệnh nhân Alzheimer sẽ tử vong do các biến chứng thứ phát như: loét do nằm lâu, nhiễm trùng vết loét, viêm phổi, không hấp thu được dinh dưỡng…
4, Các triệu chứng của bệnh Alzheimer
Khi bệnh nhân bị bệnh Alzheimer sẽ có các dấu hiệu nổi bật sau đây:
- Hay quên liên tục và tăng dần về tần suất quên: Bệnh Alzheimer thường có dấu hiệu đầu tiên là một giai đoạn quên, đặc biệt là quên những người mới gặp, những sự việc mới diễn ra hoặc những việc đơn giản thường ngày. Nhưng về sau triệu chứng hay quên sẽ tăng dần và làm cho bệnh nhân quên lãng rất nhiều thứ. Bệnh nhân có thể quên nội dung các cuộc nói chuyện, quên tên gọi và cách dùng các đồ vật, đặt sai vị trí của chúng, thường để đồ ở những nơi không đúng theo logic và công dụng. Dần dần, bệnh nhân sẽ dần quên mất tên của bạn bè, rồi lâu dài hơn sẽ quên cả tên của những người thân trong gia đình, quên tên gọi của các vật dụng hay dùng nhất, như cái lược, cái bàn chải đánh răng,…
- Gặp khó khăn trong việc phải suy nghĩ và suy luận logic: Người bệnh Alzheimer thường hay gặp rắc rối với các khái niệm cơ bản, tư duy trừu tượng, đặc biệt là phải nhận ra và hiểu, phân tích các con số.
- Khó khăn trong sử dụng ngôn từ để diễn đạt ý muốn: có lẽ là một thử thách rất khó khăn cho các bệnh nhân bị Alzheimer khi bắt họ phải tìm kiếm các ngôn từ phù hợp để biểu đạt những suy nghĩ của mình. Hoặc thậm chí ngay cả chỉ để hiểu kịp các cuộc nói chuyện của mọi người cũng khó khăn đối với họ. Việc đọc và viết cũng gặp khó khăn nhất là trong giai đoạn sau của bệnh.
- Mất dần các định hướng: Bệnh nhân Alzheimer sẽ bị mất dần các định hướng về thời gian và không gian. Họ không thể nhớ rõ ngày giờ, bị lạc trong chính ngôi nhà của mình, không ý thức được bản thân đang làm sai, nhớ sai. Những trường hợp bị bệnh đã lâu thì bệnh nhân còn thường xuyên đi lang thang ra khỏi nhà và bị lạc.
- Giảm và mất dần khả năng phân tích và đánh giá sự việc: Việc giải quyết các sự việc xảy ra hàng ngày sẽ dần trở nên rất khó khăn đối với bệnh nhân. Họ gần như gặp phải trở ngại rất lớn trong việc thực hiện những công việc đòi hỏi phải có kế hoạch, những quyết định và suy xét vì họ không còn đủ khả năng để thực hiện.
- Không còn làm được các công việc quen thuộc trước kia: Những công việc quen thuộc hàng ngày cần phải làm qua các bước cơ bản như việc nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa,… sẽ trở nên rất khó khăn cho người bệnh Alzheimer. Họ có thể quên cả cách đi vệ sinh, tắm rửa, đánh răng và khi đó phải phụ thuộc hoàn toàn vào những người chăm sóc.
- Thay đổi về nhân cách: Bệnh nhân Alzheimer thường có tính khí thay đổi rất thất thường. Chính vì không thể nhớ rõ về mọi thứ nên họ luôn sống trong tâm trạng hoài nghi tất cả mọi người xung quanh, trở nên cố chấp hơn và có xu hướng luôn muốn cách ly với xã hội. Trong giai đoạn sớm của bệnh, triệu chứng này có thể là do tâm trạng thất vọng khi họ tự nhận thấy rằng bản thân mình không thể kiểm soát được trí nhớ. Do đó mà vấn đề trầm cảm rất hay đi kèm với bệnh Alzheimer trong giai đoạn đầu khi bệnh nhân mới bị bệnh. Tình trạng mất ngủ cũng xảy ra rất thường xuyên. Khi bệnh dần trở nên nặng hơn thì bệnh nhân sẽ dần trở nên khó tính, hay kích động và cư xử không phù hợp.
Những triệu chứng kể trên của bệnh nhân Alzheimer thường tiến triển một cách từ từ chứ không phải đột ngột bất thường. Các triệu chứng của bệnh sẽ ngày càng nặng lên khiến cho bệnh nhân hoặc người nhà phải đi khám và bắt đầu có sự hỗ trợ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Quá trình diễn biến bệnh lý có thể xảy ra nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào từng cá thể khác nhau. Mỗi người bệnh là một trường hợp riêng biệt, không ai giống ai. Từ các dấu hiệu hay quên đơn giản cho đến lúc sa sút trí tuệ nặng nề có thể kéo dài từ 5 năm đến 10 năm hoặc thậm chí có thể lâu hơn như vậy nữa.
Bệnh Alzheimer thường diễn tiến từ nhẹ đến vừa, rồi sau đó đến nặng. Bệnh nhân khi còn ở giai đoạn nhẹ của bệnh thì vẫn có đủ khả năng để sống một mình được và có thể xử lý công việc khá tốt. Đến giai đoạn vừa thì họ sẽ gặp khó khăn lớn nếu không có người giúp đỡ, còn khi đã ở giai đoạn nặng thì người bệnh không thể tự chăm sóc cho chính bản thân họ được nữa.
5, Các biến chứng của bệnh Alzheimer
Bên cạnh những triệu chứng cũng như dấu hiệu thường gặp như đã mổ tả ở phần trên, chúng ta cũng nên lưu ý về một số biến chứng của bệnh như:
Tình trạng bệnh nhân bị mất trí nhớ và khả năng sử dụng ngôn ngữ, thay đổi nhận thức mà bệnh Alzheimer gây ra sẽ có thể tạo nên những khó khăn trong việc điều trị các bệnh lý khác của bệnh nhân do:
- Bệnh nhân không thể ý thức và thông báo với các bác sĩ điều trị về những tình trạng của họ như họ đang bị đau, khó chịu, họ cần gì,.. Ví dụ như bệnh nhân bị đau răng, đau tay… nhưng lại không thể nói cho bác sĩ biết được. Khi đó các bác sĩ sẽ không thể nắm được tình hình của bệnh nhân để điều trị tốt nhất.
- Bệnh nhân không thể tuân thủ liệu trình điều trị vì sự thay đổi trong hành vi và nhận thức sẽ cản trở điều đó.
- Bệnh nhân không thể thông báo hoặc mô tả tác dụng phụ của thuốc cho các bác sĩ nếu có. Điều đó sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
Khi bệnh Alzheimer kéo dài đến giai đoạn cuối thì những thay đổi và tổn thương tại não sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng đến các chức năng như thể chất, chẳng hạn như khả năng thực hiện động tác nuốt, khả năng kiểm soát hành vi… Hầu hết bệnh nhân Alzheimer không tử vong do bệnh mà là do các bệnh lý thứ phát nguy hiểm kèm theo như:
- Viêm phổi: Đây là bệnh lý hay gặp ở những bệnh nhân giai đoạn nặng do phổi của bệnh nhân bị phù nề, nhiễm trùng do họ hít phải các chất nhầy từ dịch dạ dày, hay từ thức ăn trào ngược lên, di chuyển vào phổi hoặc đường hô hấp và tích tụ tại đó.
- Các bệnh lý nhiễm trùng: Bệnh nhân Alzheimer thường đi tiểu không tự chủ nên phải đặt thông tiểu, điều này sẽ làm tăng nguy cơ làm cho bệnh nhân bị nhiễm trùng đường niệu. Một số nhiễm trùng khác có thể là tại vết loét hay các vết thương phối hợp. Nếu những tình trạng này không được điều trị sớm thì sẽ ngày càng nặng hơn, sau đó có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
- Bệnh nhân có thể bị ngã và gặp chấn thương: Bệnh nhân bị Alzheimer thường sẽ gặp khó khăn trong việc định hướng về khoảng cách nên nguy cơ bị ngã khi di chuyển và vận động là rất cao. Bệnh nhân rất dễ bị ngã và sau đó có thể bị gãy xương, gặp chấn thương vùng đầu, cổ nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết não hay tụ máu não,… Trong trường hợp bệnh nhân bị chấn thương nặng thì cần phải nhập viện để phẫu thuật và chăm sóc nội trú.
6, Điều trị bệnh Alzheimer như thế nào?
Nguyên tắc điều trị bệnh Alzheimer
Khi điều trị bệnh nhân Alzheimer cần chú ý tuân thủ một số nguyên tắc dưới đây:
- Bệnh Alzheimer là bệnh luôn có diễn biến nặng dần và cho đến nay vẫn chưa có thuốc nào đặc hiệu có thể điều trị khỏi bệnh. Mục tiêu điều trị chính là hỗ trợ làm chậm lại quá trình tiến triển bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân
- Kết hợp với các chế độ chăm sóc đặc biệt của bác sĩ với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
- Điều trị cho bệnh nhân Alzheimer phải kiên trì, nhẫn nại và việc điều trị này gần như sẽ kéo dài cả đời. Vì vậy cả bệnh nhân cũng như người chăm sóc phải chuẩn bị tâm lý thật vững vàng để khoảng thời gian điều trị lâu dài và khó khăn đó được thuận lợi hơn.
Điều trị dùng thuốc
Có thể sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng như sau:
- Các thuốc có tác dụng làm chậm tiến triển của bệnh bao gồm: Nhóm thuốc kháng cholinesterase (hay dùng Galantamine, Rivastigmine…), chất kháng thụ thể N-methyl-D-aspartate (memantine) có tác dụng tăng dẫn truyền synap thần kinh (thuốc này có ít tác dụng phụ hơn thuốc kháng cholinesterase nên cũng được ưu tiên sử dụng hơn).
- Các thuốc điều trị triệu chứng như: điều trị mất ngủ (thuốc ngủ), rối loạn hành vi, các thuốc chống loạn thần(thuốc an thần),…
- Điều trị các bệnh lý kèm theo nếu có như các bệnh về tim mạch, tăng mỡ máu, tăng đường huyết…. Trường hợp bệnh nhân phải nằm lâu thì phải kết hợp dự phòng và điều trị bệnh viêm phổi, chăm sóc các vết loét do tì đè nếu có…
7, Cách chăm sóc người bệnh Alzheimer
Các bệnh nhân bị bệnh Alzheimer thường xuyên không thể kiểm soát được hành vi của mình. Đặc biệt là ở giai đoạn muộn thì thậm chí họ còn không thể tự chăm sóc bản thân nên những người thân hay người chăm sóc cần:
- Thường xuyên theo sát bệnh nhân và tạo một môi trường sống an toàn, tránh để các vật dụng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh ở các vị trí thường xuyên tiếp xúc.
- Trò chuyện nhiều hơn với người bệnh để giúp học có cảm giác vui vẻ và an toàn. Có thể hỗ trợ người bệnh về việc khôi phục hay cải thiện trí nhớ về các công việc cần thiết phải làm trong ngày như: Đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, ăn cơm,…
- Hỗ trợ cho bệnh nhân trong các vận động hằng ngày: Do người bệnh có thể mất phối hợp vận động nên có thể dễ bị ngã. Do đó người chăm sóc có thể hỗ trợ cho bệnh nhân trong việc sinh hoạt, vận động, dùng thêm các dụng cụ hỗ trợ để tránh bị ngã và các chấn thương xảy ra.
- Đối với những bệnh nhân không thể di chuyển được thì những người chăm sóc cũng cần hỗ trợ học trong việc thay đổi tư thế thường xuyên, tránh các bệnh do nằm lâu gây ra.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt cho bệnh nhân Alzheimer
- Nên tăng cường và bổ sung các loại rau xanh và hoa quả vào chế độ ăn hằng ngày của bệnh nhân. Hạn chế cho bệnh nhân sử dụng các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, các đồ uống có chứa cồn,có gas, không hút thuốc lá.
- Bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin E, vitamin C, axit folic,…
- Tăng cường cho bệnh nhân tham gia các hoạt động thể dục thể thao với các động tác hay bài tập phù hợp.
- Tích cực cho bệnh nhân tham gia các hoạt động liên quan đến trí tuệ như: đọc sách, trò chơi các câu đố hoặc tích cực tham gia hoạt động xã hội để kích thích trí não của họ.
8, Cách phòng ngừa bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer một khi đã mắc phải thì không có khả năng điều trị khỏi, do đó việc phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng. Dưới đây là một số cách phòng bệnh hiệu quả mà các bạn có thể tham khảo:
Kích thích trí não hoạt động:
Những người luôn có hoạt động ghi nhớ và hoạt động não bộ sẽ ít có nguy cơ mất trí hơn. Các bạn có thể kích thích trí não hoạt động bừng các cách như sau:
- Đọc sách báo, cập nhật thông tin cần thiết thường xuyên.
- Chơi các trò chơi kích thích đến trí não như trò đố chữ hay những trò chơi trí tuệ như trả lời câu hỏi, tư duy suy luận.
- Tạo thói quen ghi chép lại các hoạt động trong ngày để tránh bị bỏ sót và quên lãng.
- Cho bản thân cơ hội thử học 1 môn ngoại ngữ mới cũng là một cách hay để cải thiện chức năng não bộ.
Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên:
- Các thói quen luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ 30 phút mỗi ngày, bơi lội, tập tạ, các bài tập phối hợp cân bằng cũng giúp bạn phòng tránh được bệnh Alzheimer.
- Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp chúng ta tăng khả năng kết nối các mạch máu nhỏ trong não và kích thích phát triển khả năng nhận thức, trí nhớ.
Tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội:
- Hãy bắt đầu bằng việc tham gia 1 nhóm xã hội nào đó hay 1 lớp học về chủ đề mà bạn quan tâm.
- Đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện để vừa được giao lưu với mọi người vừa tham gia các hoạt động thể chất linh hoạt.
- Hãy thường xuyên gặp gỡ bạn bè và hàng xóm của mình để giao lưu với họ.
- Hãy ra ngoài thường xuyên hơn để tinh thần luôn thoải mái, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi. Bạn có thể đi xem phim, công viên, cà phê,…hay nơi nào mà bạn thích.
Thay đổi chế độ ăn uống hợp lý hơn:
- Giảm bớt lượng đường trong mỗi bữa ăn: nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đường và carbohydrate như: bột mì trắng, mì ống, gạo trắng hay bất cứ thứ gì có đường.
- Tránh sử dụng các loại dầu bị hydro hóa: chất béo có thể gây nên tình trạng viêm và giải phóng các gốc tự do có hại cho não. Do đó, hãy cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn, đồ đông lạnh.
- Bổ sung và sử dụng nhiều omega 3: lượng DHA trong các axit béo omega 3 có thể giúp chúng ta ngăn ngừa được bệnh Alzheimer và cải thiện tình trạng mất trí nhớ bằng cách làm giảm các mảng beta-amyloid. Vì vậy hãy bổ sung nguồn thực phẩm này nhiều hơn vào các bữa ăn nhé.
- Nên có chế độ ăn giàu vitamin B12 và axit folic: hai thành phần này là các vitamin có ảnh hưởng tới quá trình hình thành ADN và duy trì các tế bào thần kinh khỏe mạnh do đó cũng nên bổ sung nhiều hơn.
Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày:
- Chất lượng giấc ngủ luôn có sự ảnh hưởng tới chức năng thần kinh và não bộ của con người. Vì vậy nên chúng ta luôn phải đảm bảo cho giấc ngủ của mình đủ thời gian và đủ ngon giấc nhé.
- Tình trạng thiếu ngủ thường xuyên sẽ có thể ảnh hưởng đến những suy nghĩ cũng như tâm trạng của bạn,rồi từ đó có nhiều nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hơn. Do đó hãy quan tâm đến giấc ngủ mỗi ngày của mình hơn.
Nếu bạn các bạn thường xuyên bị mất ngủ thì hãy bắt đầu tập điều chỉnh lại theo một số gợi ý sau nhé:
- Tránh ngủ quá nhiều vào buổi trưa, vì nó có thể làm mất ngủ buổi tối. Chúng ta chỉ nên ngủ trưa khoảng 30 phút tới 1 giờ mỗi ngày.
- Thư giãn nhiều hơn vào buổi tối: từ 1 đến 2 giờ trước khi đi ngủ là khoảng thời gian lý tưởng để chuẩn bị tinh thần cho não bộ được thư giãn, nghỉ ngơi. Các bạn hãy tắt bớt đèn trong phòng và nằm thư giãn, tắm trước khi đi ngủ cũng là 1 cách thư giãn giúp cho giấc ngủ tốt hơn, đọc vài trang sách nhẹ nhàng,…
- Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ và duy trì thói quen đó: hãy cố gắng tạo 1 nhịp sinh học tự nhiên cho giấc ngủ của mình bằng cách đi ngủ và thức dậy vào 1 thời điểm nhất định và duy trì đều đặn mỗi ngày.
Tránh để cho cơ thể bị căng thẳng:
- Khi cơ thể thường xuyên bị stress, sẽ bài tiết quá nhiều hormone cortisol, đây là một loại hormon có nguy cơ làm teo vùng hải mã của não- nơi đảm nhận việc xử lí trí nhớ và giúp não phát triển. vì thế, khi bạn có quá nhiều stress, não sẽ trở nên rối loạn và làm trí nhớ bị suy giảm đáng kể.
- Hãy tạo thói quen thư giãn cho cơ thể bằng cách tâm sự nhiều hơn với bạn bè, đọc sách, tập yoga, thể dục thể thao, nghe nhạc,…
9, Một số câu hỏi thường gặp
9.1. Bệnh Alzheimer có khả năng di truyền không?
Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định rằng bệnh Alzheimer có khả năng di truyền cho các thế hệ sau. Tuy nhiên người ta cũng thấy rằng những người con sinh ra trong gia đình có ông bà, bố mẹ hay anh chị em bị Alzheimer thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh tương tự cao hơn những trường hợp bình thường khác.
Do đó khi có yếu tố liên quan về gia đình, các bạn cũng nên phòng bệnh thật tốt cho bản thân bằng các cách như đã đề cập ở phần trên.
9.2. Bệnh Alzheimer có lây không?
Alzheimer là một bệnh lý thần kinh riêng biệt của mỗi cá thể, bệnh không có khả năng lây truyền cho những người xung quanh nên các bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Hãy cứ tiếp xúc và duy trì mối quan hệ nếu chẳng may ai đó mà bạn quen bị bệnh này. Khi đó bạn không thể bị lây bệnh mà ngược lại còn giúp họ cải thiện được tình trạng bệnh của mình nữa đấy.
9.3. Bệnh Alzheimer có nguy hiểm không?
Alzheimer cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh chủ yếu gây ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng hoạt động bình thường của người bệnh.
Trong những giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường và không có nguy hiểm gì. Tuy nhiên bệnh sẽ có xu hướng tiến triển ngày càng nặng hơn và giai đoạn sau của bệnh bệnh nhân sẽ dần mất đi nhiều chức năng rồi cuối cùng có thể gây nên tử cung cho người bệnh.
9.4. Bệnh Alzheimer có liên quan đến rối loạn chuyển hóa không?
Không phải tất cả các trường hợp của bệnh Alzheimer đều liên quan đến tình trạng rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Nhưng ở một góc độ nào đó người ta vẫn nhìn nhận ra có sự liên quan giữa hai tình trạng này với nhau. Đó là trong trường hợp bệnh Alzheimer bị gây nên bởi sự rối loạn chuyển hóa của một loại protein đặc biệt trong cơ thể liên quan đến não bộ.
Vấn đề về rối loạn chuyển hóa liên quan đến bệnh Alzheimer hiện nay vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu thêm.
9.5. Bệnh Alzheimer có chữa khỏi được không?
Câu trả lời là không.
Một khi đã được chẩn đoán xác định là bệnh Alzheimer thì bệnh nhân phải xác định sống chung với bệnh này suốt đời. Chúng ta chỉ có thể tìm đến sự hỗ trợ của các bác sĩ thần kinh để điều trị hỗ trợ kéo dài thời gian số và giảm thiểu các biến chứng nặng cho bệnh nhân chứ không thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh.
Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá lo lắng và áp lực nếu phải đối mặt với bệnh này vì đa số bệnh đều diễn biến rất từ từ, thời gian sống của bệnh nhân cũng không phải là ngắn. Và việc chuẩn bị tâm lý vững vàng để đối mặt với bệnh là rất quan trọng.
Vậy là chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về bệnh Alzheimer ở người. Hy vọng bài viết này sẽ thực sự hữu ích đối với các bạn. Qua bài viết này chúc các bạn sẽ có được các biện pháp phòng bệnh phù hợp, hiệu quả cho bản thân mình và tránh được bệnh Alzheimer nhé, xin cảm ơn các bạn đọc đã theo dõi!
Xem thêm:
Bệnh Zona thần kinh là gì? Nguy hiểm không? Nguyên nhân, Cách điều trị