Tổng quan về hội chứng Tự kỷ dưới góc nhìn chuyên gia

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

bệnh tự kỷ

Tự kỷ là nhóm các rối loạn phức tạp của sự phát triển não bộ và dễ chẩn đoán nhầm với hội chứng Tăng động giảm chú ý. Dưới góc nhìn của chuyên gia phục hồi chức năng, tổng quan về hội chứng Tự kỷ được giới thiệu qua loạt bài dưới đây, chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải để bạn đọc tham khảo. – nhà thuốc Ngọc ANh.

Tự kỷ là gì?

Năm 1943, nhà tâm thần học nhi người Áo Leo Kanner quan sát một cậu bé 5 tuổi với những biểu hiện như “hạnh phúc nhất khi được một mình, cảm giác trẻ không để ý tới mọi điều xung quanh, đặc biệt bị cuốn hút vào các đồ chơi xoay tròn, thích lắc đầu mình về hai phía… và tự xoay tròn quanh mình. Khi bị ngắt hoạt động đó, trẻ nổi xung lên. Khi nói với trẻ, cậu bé thường nhắc lại các câu hỏi, câu nói của ông…”. Kanner đã gọi tên chứng này là “tự kỷ”. Thuật ngữ “Tự kỷ” ra đời từ đó. Kanner lấy tên tự kỷ từ Eugene Bleuler khi mô tả chứng tâm thần phân liệt của người lớn, có khía cạnh tự cuốn hút. Nhưng bản thân Kanner không coi tự kỷ trẻ em là thể sớm của chứng tâm thần phân liệt. Vì tự kỷ dường như xuất hiện một cách bẩm sinh, từ nhỏ.

Thuật ngữ “Phổ tự kỷ” xuất hiện sau đó, khi vào năm 1944, Hans Asperger mô tả các hội chứng lâm sàng “na ná giống tự kỷ”. Nhưng những trẻ đó dường như có chỉ số thông minh cao và có ngôn ngữ phong phú hơn và dùng khá phù hợp.

Tới năm 1994, Hội Tâm thần học Mỹ đã thống nhất các tiêu chuẩn chẩn đoán tự kỷ dựa theo thang điểm DSM-IV. Tự kỷ được định nghĩa là một hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa của trẻ em với nhiều khiếm khuyết về phát triển, nhưng nổi bật là 3 lĩnh vực: khó khăn về giao tiếp, các hành vi bất thường và khó khăn trong quan hệ xã hội. Gọi là “Phổ tự kỷ” vì chứng “Tự kỷ” có 5 chứng sau: Hội chứng Asperger, Hội chứng Rett, Hội chứng tự kỷ điển hình, Hội chứng thoái triển trẻ em và Các rối loạn phát triển không đặc hiệu khác.

Do vậy, ta có thể gặp một trẻ được chẩn đoán tự kỷ những không giống với các trẻ tự khác. Có những trẻ tự kỷ nhẹ (chứng Asperger) hoặc tự kỷ nặng, rất nặng như tự kỷ điển hình hoặc hội chứng Rett.

Tháng 5/2013, Hội Tâm thần Mỹ có điều chỉnh lại phạm vi chẩn đoán của của chứng tự kỷ. Theo đó, hội chứng Asperger được đưa ra khỏi phổ tự kỷ thành một chứng độc lập trong nhóm các khuyết tật phát triển. Tiêu chuẩn chẩn đoán tự kỷ theo DSM-V cũng không có thay đổi về bản chất so với tiêu chuẩn DSM-IV nhưng có khó khăn hơn cho những người chưa làm việc nhiều với trẻ tự kỷ.

Ở Việt Nam, trước đây tại Bệnh viện Bạch Mai, nay tại Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, từ năm 1995 đã áp dụng tiêu chuẩn DSM-IV vào để phát hiện, chẩn đoán và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Với các khóa tập huấn thường xuyên, cập nhật các chuyên đề về tự kỷ với chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ trị liệu của Mỹ, đã đào tạo được nhiều chuyên gia. Hiện nay, có thể yên tâm rằng tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có kết quả khả quan, trẻ có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Đánh giá độ nặng của tự kỷ

Trẻ tự kỷ không giống nhau về độ nặng, về thời điểm được phát hiện và chẩn đoán, đặc biệt đã được can thiệp đúng hay chưa. Một trẻ bị tự kỷ tương đối nặng nhưng được can thiệp tích cực sẽ khá hơn trẻ bị tự kỷ nhẹ chưa được can thiệp. Việc đánh giá mức độ nặng của khuyết tật phát triển chỉ dựa vào quan sát tại một thời điểm không là dễ dàng. Do vậy, dựa vào rất nhiều cơ sở thông tin mới có thể xác định được độ nặng của tự kỷ, đó là những thông tin về:

-Khả năng ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của trẻ.

-Khả năng tương tác, chia sẻ, quan hệ của trẻ với mọi người xung quanh.

-Hành vi, ứng xử của trẻ.

Các thang điểm đánh giá:

Để lượng hóa mức độ nặng của khuyết tật này, các chuyên gia có thể sử dụng nhiều thang chia điểm. Ví dụ thang CARS (Childhood Autism Rating Scale) – “Thang đánh giá tự kỷ trẻ em” do Schopler & cộng sự xây dựng năm 1988. Thang này có 15 mục, mỗi mục cho điểm từ 1- 4 điểm, tổng số điểm là 60 điểm. Nếu trẻ đạt từ 15 – 30 điểm: trẻ bình thường. Từ 30 – 36 điểm: tự kỷ nhẹ đến trung bình. Từ 36 – 60 điểm: tự kỷ nặng.

Hiện nay đã có phiên bản CARS-2 được hiệu chỉnh năm 2010. Thang này đơn giản, có độ nhạy 71% và độ đặc hiệu 80%, cha mẹ hay các chuyên gia có thể dựa vào đó trả lời các câu hỏi. Nhiều chuyên gia thấy thang này đặc hiệu hơn với trẻ tự kỷ tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành.

Ngoài ra, ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang sử dụng thang Gilliam (GARS) hoặc thang GARS-2. Thang này có 64 mục, mỗi mục cho điểm từ 0 – 3 điểm, tổng số điểm của thang là 140 điểm. Thang này cho điểm chi tiết hơn và mọi đối tượng dễ thực hiện. Theo đó, nếu đạt trên 131 điểm: rất nặng; 121 – 130 điểm: nặng; 111 – 120 điểm: trên trung bình; 90 – 110 điểm: trung bình; 80 – 89 điểm: dưới trung bình; 70 – 79 điểm: nhẹ; Dưới hoặc bằng 69 điểm: rất nhẹ.

Hạn chế khi áp dụng các thang điểm:

Đánh giá được thực hiện vào từng thời điểm, việc quan sát và thu thập thông tin có thể chưa đầy đủ, điểm số được cho nhờ quan sát của phụ huynh nên mang tính chủ quan. Ngoài ra, trẻ tự kỷ sau khi được can thiệp sẽ thay đổi rất nhanh, do vậy độ nặng ban đầu sẽ bị thay đổi nhiều. Hoặc sau này, trong quá trình phát triển, có thể xuất hiện nhiều dấu hiệu “nặng”, ví dụ các hành vi, phát ngôn định hình. Như vậy độ nặng ban đầu có thể thay đổi trong quá trình theo dõi và can thiệp.

Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Những dấu hiệu sớm của tự kỷ là gì?

Sự suy giảm về tương tác xã hội ở trẻ tự kỷ

– Không giao tiếp mắt – mắt hoặc giao tiếp mắt – mắt rất ít.

– Không đáp ứng khi cha mẹ cười hoặc những biểu lộ khác trên gương măt của cha mẹ.

– Không nhìn vào sự vật mà cha mẹ đang chỉ.

– Không chia sẻ vật trẻ thích với cha mẹ.

– Thường xuyên không có biểu lộ gương mặt phù hợp.

– Không thể nhận ra người khác nghĩ hoặc cảm thấy gì khi nhìn vào biểu cảm gương mặt.

– Không tỏ ra quan tâm (đồng cảm) với người khác.

– Không thể kết bạn hoặc không thích kết bạn.

Sự suy giảm về giao tiếp ở trẻ tự kỷ

– Không chỉ ngón tay vào những đồ mà trẻ muốn hoặc không chia sẻ đồ với người khác.

– Không nói được từ đơn khi 16 tháng.

– Nhại lại lời người khác nói mà không hiểu nghĩa.

– Không đáp ứng khi được gọi tên nhưng đáp ứng khi nghe thấy âm thanh khác (như còi oto hay tiếng mèo kêu)

– Dùng từ “bạn” để nói về bản thân và gọi người khác là “tôi” và có thể lẫn lộn các đại từ.

– Thường xuyên không muốn giao tiếp.

– Không bắt đầu hoặc không thể tiếp tục 1 cuộc hội thoại.

– Không biết sử dụng đồ chơi hay các vật dụng khác để chơi trò chơi giả vờ.

– Có thể có trí nhớ tốt, đặc biệt là con số, chữ cái, bài hát, quảng cáo TV, hoặc một chủ đề đặc biệt.

– Có thể mất khả năng ngôn ngữ hoặc các cột mốc kỹ năng xã hội khác, thường ở độ tuổi 15-24 tháng (thường gọi là sự thoái lui).

Sự khác biệt về hành vi (hành vi lặp đi lặp lại và ám ảnh) ở trẻ tự kỷ

– Xoay tròn, lắc lư, xoay xoay các ngón tay, đi nhón gót trong thời gian dài.

– Thích những thói quen, trật tự, và các nghi lễ; gặp khó khăn khi bị thay đổi.

– Bị ám ảnh bởi một số hoạt động bất thường, làm đi làm lại những hành động đó trong cả ngày.

– Chơi với từng phần của đồ chơi thay vì toàn bộ đồ chơi (ví dụ: xoay phần bánh xe của xe tải đồ chơi).

– Dường như không cảm thấy đau.

– Có thể rất nhạy cảm hoặc không nhạy cảm với tất cả mùi, âm thanh, ánh sáng, kết cấu, và tiếp xúc.

– Nhìn bất thường hoặc nhìn chằm chằm vào vật ở những góc khác thường.

 

Làm thế nào để nhận biết, phân biệt một trẻ bị tự kỷ với những trẻ khác?

Dưới đây là một số ví dụ có thể giúp cha mẹ nhận biết các dấu hiệu sớm của tự kỷ

Khi trẻ được 12 tháng

– Trẻ bình thường sẽ quay đầu lại khi nghe thấy tên của mình

– Trẻ bị ASD có thể không quay lại, ngay cả khi gọi tên trẻ vài lần, nhưng sẽ đáp ứng với các âm thanh khác.

Khi trẻ 18 tháng

– Một trẻ bị chậm nói sẽ dùng cử chỉ hoặc sử dụng biểu hiện gương mặt để thay cho thiếu hụt khi chậm nói.

– Một trẻ bị ASD có thể không cố gắng thay thế bởi những hành động hoặc lời nói bị hạn chế bằng việc nhại lại những gì nghe được trên TV hoặc những điều trẻ mới nghe.

Khi trẻ 24 tháng

– Một trẻ bình thường sẽ mang bức ảnh, bức tranh cho mẹ xem và chia sẻ niềm vui với mẹ.

– Một trẻ bị ASD có thể đưa chai thổi bong bóng cho mẹ mở, nhưng sẽ không nhìn vào mặt mẹ khi mẹ mở hoặc không chia sẻ niềm vui khi chơi cùng mẹ.

Phân biệt Tự kỷ và Tăng động giảm chú ý

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều trẻ tự kỷ (mức độ vừa và nhẹ) bị chẩn đoán nhầm thành Hội chứng Tăng động giảm chú ý (ADHD) do chúng có rất nhiều điểm giống nhau. Đó là do những điểm giống nhau như: mất tập trung, dễ bùng nổ, hay bị phân tán, hiếu động, khó kết bạn và duy trì quan hệ bạn bè với trẻ khác… của hai khuyết tật này.

Tuy nhiên, trẻ tự kỷ vừa và nhẹ có một số điểm khác biệt với trẻ bị ADHD: trẻ chậm nhiều kỹ năng, rõ nhất là chậm ngôn ngữ, không chủ động dùng ngôn ngữ, không có khả năng sử dụng ngôn ngữ.

Về khả năng chú ý, trẻ tự kỷ có xu hướng chỉ tập trung vào một số đồ chơi, một vài hoạt động, chơi theo cách riêng biệt.

Về mặt xã hội, trẻ tự kỷ không chủ động hỏi han, rủ rê, quan tâm đến bạn bè, người đối thoại, không biết kết bạn và duy trì quan hệ bè bạn…

Trên thực tế ngay cả ở Hoa kỳ, có tới 70% trẻ tự kỷ vừa và nhẹ được chẩn đoán thành hội chứng Tăng động giảm chú ý (theo TS. Kenneth Roberson, chuyên gia tâm lý về trẻ bị hội chứng Asperger trên 30 năm ở San Francisco). Từ năm 2013, Hội Tâm thần Mỹ đã điều chỉnh tiêu chuẩn chẩn đoán tự kỷ theo DSM-V, trong đó nhấn mạnh đến các rối loạn hành vi đặc trưng và khiếm khuyết trong giao tiếp xã hội, nếu không chú trọng can thiệp những kỹ năng này, về sau trẻ rất khó hòa nhập với xã hội.

Do vậy, các chuyên gia Âm ngữ trị liệu cần chẩn đoán đúng để xây dựng chương trình can thiệp cá nhân của mỗi trẻ.

Chẩn đoán, phát hiện sớm trẻ tự kỷ để can thiệp sớm là yếu tố tiên quyết giúp trẻ phát triển theo hướng bình thường. Việc chần chừ, không chấp nhận thực tế,… có thể làm mất thời gian vàng trong phát triển của trẻ.

Tự kỷ có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm?

Tầm quan trọng của phát hiện sớm

Phát hiện sớm trẻ tự kỷ lý tưởng nhất là trước 18 tháng tuổi. Tuy vậy, có những trẻ bị tự kỷ nặng có thể có những dấu hiệu sớm hơn, ngay từ lúc 3 – 6 tháng tuổi: ít theo dõi mặt mẹ khi được gọi hoặc ít hóng chuyện, gọi trẻ tảng lờ như không nghe thấy, đáp ứng nét mặt của trẻ khi nói chuyện thường ngơ ngác, ít biểu lộ các thái độ và trạng thái cảm xúc rõ rệt. Thông thường, trẻ được cha mẹ đưa đi khám vào độ 22 – 30 tháng tuổi, khi thấy trẻ chậm nói hoặc cư xử khác thường.

Não của trẻ phát triển là nhờ quá trình tương tác giữa các kích thích của môi trường ngoài và các quá trình sinh học thần kinh. Đó là quá trình rèn luyện và thích ứng với kích thích từ môi trường xung quanh. Trẻ quen và chấp nhận các kích thích đó và biết đáp ứng lại một cách phù hợp. Do vậy, phát hiện sớm có thể can thiệp sớm, giúp trẻ phát triển theo hướng bình thường.

Có những thời kỳ não phát triển khá nhạy cảm, khi ấy sự tiếp thu xảy ra dễ dàng và nhanh chóng mặc dù bé không thực chú ý vào các kích thích. Chẳng hạn, vào khoảng 6 tháng tuổi trẻ bắt đầu phân biệt các âm thanh của người quen hay người lạ mà chưa hiểu nghĩa của từ. Những âm thanh quen thuộc này tác động mạnh mẽ đến sự chú ý của trẻ. Can thiệp sớm càng gần thời kỳ nhạy cảm càng tốt nó giúp lôi cuốn sự chú ý của trẻ.

Não có khả năng “bù trừ” những chức năng bị tổn hại. Ví dụ một vùng của não bị tổn thương, chức năng của vùng đó sẽ được một vùng khác thay thế. Sự bù trừ này được gọi là tái tạo thần kinh. Sự tái tạo này không giống nhau ở các vùng khác nhau của não nhưng ở não của trẻ nhỏ, sự tái tạo rất mạnh mẽ. Nếu can thiệp sớm, ở thời kỳ tái tạo thần kinh, sự phát triển của kỹ năng này có thể tạo thuận cho kỹ năng phụ trợ khác. Chẳng hạn, nếu kỹ năng thị giác không gian phát triển, phát triển nhận thức đồ vật, chúng sẽ thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và phát triển kỹ năng xã hội.

Chẩn đoán xác định trẻ bị tự kỷ

Mọi người xung quanh trẻ khi quan tâm đến phát triển của trẻ đều có thể là mắt xích đầu tiên trong việc phát hiện bệnh lý này. Cha mẹ khi thấy các dấu hiệu phát triển chậm hoặc khác thường về xã hội, giao tiếp, hành vi nên đưa con đi khám. Những chuyên gia có khả năng thực hiện các test về phát triển và đánh giá phát triển của trẻ… là chuyên gia Ngôn ngữ trị liệu và chuyên khoa Tâm bệnh nhi. Tuy vậy, các giáo viên, cha mẹ có thể tham khảo 5 dấu hiệu báo động đỏ tự kỷ (Viện Hàn lâm Thần kinh học của Mỹ):

  • Không bi bô, không biết dùng các kỹ năng không lời, cử chỉ, ở độ 12 tháng tuổi.
  • Không biết nói từ đơn lúc 16 tháng.
  • Không biết “thưa” hoặc quay lại khi nghe gọi tên mình.
  • Không tự nói được câu có hai từ lúc 24 tháng.
  • Mất ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội vào bất kỳ độ tuổi nào.

Khi tới khám chuyên gia ngôn ngữ, trẻ được quan sát, đánh giá theo các thang điểm, nhờ đó có thể xác định chính xác liệu trẻ có bị tự kỷ hay không. Hiện nay, các chuyên gia Âm ngữ trị liệu vẫn áp dụng thang điểm DSM-IV năm 1994 của Hội Tâm thần Mỹ. Các dấu hiệu thuộc 3 lĩnh vực: rối loạn hành vi, ngôn ngữ và xã hội gồm 12 dấu hiệu, nếu trẻ có trên 6 dấu hiệu thì chắc chắn trẻ bị tự kỷ. Tiêu chuẩn DSM-V năm 2013 sẽ giúp bổ sung cho chẩn đoán xác định tự kỷ.

Tự kỷ có thể chữa khỏi hay không?

Việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ để can thiệp sớm là yếu tố tiên quyết giúp trẻ phát triển theo hướng bình thường. Việc chần chừ, không chấp nhận thực tế, đợi chờ tới sau 3 tuổi mới đi khám làm mất thời gian vàng trong phát triển của trẻ.

Hậu quả kéo dài suốt cuộc đời làm ảnh hưởng trầm trọng tới khả năng quan hệ xã hội, giao tiếp xã hội, khả năng tưởng tượng và hành vi của trẻ khiến trẻ không thích nghi được với cuộc sống.

Bản chất khuyết tật

Hiện nay, nhiều trung tâm và chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đang tập trung nghiên cứu những thay đổi bệnh lý xảy ra trong cơ thể trẻ tự kỷ nhằm tìm kiếm các phương pháp can thiệp triệt để, hiệu quả nhất. Tuy vậy, cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng. Có một số giả thiết được quan tâm nhiều nhất: bất thường dẫn truyền thần kinh, di trú tế bào thần kinh, hoạt động kích thích – ức chế của neuron… Nhưng nhiều nghiên cứu về miễn dịch học, sinh hóa tế bào hoặc cả chẩn đoán hình ảnh đều đưa ra những bằng chứng về đột biến nhiễm sắc thể và gene.

Tới nay, hầu như giới khoa học đều tin rằng cơ chế bệnh sinh của tự kỷ là cơ chế phức tạp, có sự kết hợp giữa đột biến vật chất di truyền và có sự tương tác với tác động của môi trường. Những tác động của môi trường lên bào thai trước, trong và sau khi sinh có thể là nguyên nhân gây thay đổi cấu tạo của não, đến các vùng chức năng của nó, từ đó gây nên các triệu chứng.

Những can thiệp cho trẻ tự kỷ hiện nay

Trẻ cần được can thiệp sớm, tác động tổng thể lên mọi kỹ năng, và áp dụng nhiều phương pháp. Những điều chỉnh chế độ ăn, dùng thuốc ức chế tâm thần hoặc lọc máu… đều là những phương pháp còn nhiều tranh cãi. Trẻ cần được dạy dỗ như một trẻ bình thường: dạy ăn uống, tự vệ sinh, dạy chào hỏi ứng xử, dạy cách chơi với bạn và cách quan tâm, chia sẻ với mọi người. Ngoài những điều đó, trẻ cần được can thiệp ngôn ngữ trị liệu. Phối hợp những kỹ thuật này, hầu hết trẻ tự kỷ đều tiến bộ rõ rệt. Đa số trẻ vừa và nhẹ đều hòa nhập và sinh sống tương đối bình thường.

Những thách thức trong can thiệp tự kỷ

Độ nặng của khuyết tật, can thiệp muộn khi có nhiều hành vi định hình, hoặc sự phối hợp tại nhà của cha mẹ kém đều hạn chế kết quả can thiệp. Những trường hợp tự kỷ kết hợp khuyết tật khác hoặc mắc bệnh tật thể chất cũng hạn chế sự tiến bộ. Cha mẹ cần biết thời gian vàng cho can thiệp tự kỷ là ngay khi phát hiện (dưới 18 tháng – 3 tuổi).

*Quý khách hàng có nhu cầu khám, tư vấn, sàng lọc phát hiện sớm và can thiệp điều trị cho trẻ tự kỷ liên hệ khoa Phục hồi chức năng, tầng 2 nhà A5 – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – Số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội. SĐT: 024.66750561.

Can thiệp sớm được tiến hành ngay khi sàng lọc phát hiện thấy nghi ngờ trẻ bị tự kỷ. Các phương pháp được áp dụng theo nguyên tắc, mô hình và kỹ thuật chuyên biệt nhằm hỗ trợ sự phát triển và hoà nhập của trẻ.

Nguyên tắc, mô hình và các kỹ thuật can thiệp cho trẻ tự kỷ

Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ là áp dụng bất kỳ một dịch vụ hoặc hình thức hỗ trợ nào nhằm vào trẻ, vào cha mẹ trẻ hoặc gia đình và môi trường xung quanh giúp trẻ phát triển và hoà nhập. Can thiệp sớm được tiến hành ngay khi sàng lọc phát hiện thấy nghi ngờ trẻ bị tự kỷ, bao gồm các bước: sàng lọc phát triển, xác định khuyết tật và huấn luyện và hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc. Để can thiệp sớm có hiệu quả, hoạt động này cần có sự tham gia trước hết của cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên mầm non, cán bộ y tế cơ sở.

Can thiệp toàn diện theo nhu cầu của trẻ

Sau khi chẩn đoán xác định tự kỷ, mức độ chậm phát triển và nhu cầu can thiệp, trẻ được thiết lập một chương trình can thiệp gồm: Mục tiêu và các nội dung can thiệp; các biện pháp thực hiện được chọn; theo dõi các chỉ số đánh giá sự tiến bộ của trẻ. Các chuyên gia sẽ cùng với cha mẹ, giáo viên… thảo luận lựa chọn và xây dựng cho trẻ một chương trình phù hợp nhất.

Khi bắt đầu can thiệp, thường chỉ chọn các kỹ năng đơn giản như huấn luyện trẻ tập trung, nhìn mắt và giao tiếp bằng mọi hình thức, đặc biệt phát triển kỹ năng giao tiếp sớm. Việc trẻ tập trung quan sát và biết bắt chước chia sẻ hoạt động là khởi đầu cho quá trình học của trẻ sau này.

Chương trình can thiệp cho trẻ có thể gồm các mục tiêu nhắm tới: Cải thiện khả năng của trẻ; Tăng cường năng lực của gia đình và những người chăm sóc trẻ; Tăng khả năng hòa nhập của trẻ trong môi trường giáo dục; Hỗ trợ môi trường phát triển của trẻ.

Các biện pháp (kỹ thuật) tác động lên trẻ bao gồm: hoạt động trị liệu, phát triển ngôn ngữ – giao tiếp, điều chỉnh hành vi, điều hòa giác quan và các biện pháp khác. Cha mẹ là một hạt nhân quan trọng giúp điều phối và gắn kết các chuyên gia, là nguồn thông tin và thực hiện các kỹ thuật này tại nhà dưới hình thức các tác động đơn giản đến trẻ.

Chương trình can thiệp cần được duy trì lâu dài, mỗi giai đoạn trẻ sẽ cần thay đổi mục tiêu. Hiện nay chương trình can thiệp theo Lovaas – chuyên gia giáo dục đặc biệt của Mỹ – được áp dụng ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và một vài trung tâm Ngôn ngữ trị liệu ở Hà Nội. Chương trình có 3 cấp độ, gồm các mục: phát triển ngôn ngữ, cải thiện tập trung, kỹ năng học đường và can thiệp hành vi, giác quan.

Mô hình can thiệp

Can thiệp hoà nhập: Là phương thức giáo dục trong đó trẻ tự kỷ được học với trẻ bình thường trong trường phổ thông tại nơi trẻ sống. Giáo dục hoà nhập dựa trên quan điểm giáo dục cho mọi trẻ em không tính đến nguồn gốc xã hội, kinh tế, dân tộc, mức độ khuyết tật… Nhờ đó trẻ có môi trường bạn bè, phát triển nhiều kỹ năng như giao tiếp, vui chơi, kỹ năng nhóm… Hầu hết trẻ tự kỷ cần được áp dụng hình thức này.

Can thiệp chuyên biệt: Trẻ tự kỷ được học trong các lớp/trường riêng cùng trẻ khuyết tật khác. Ở đó, trẻ được dạy kỹ năng cá nhân, tự chăm sóc và được trợ giúp đặc biệt. Hình thức này dành cho trẻ tự kỷ mức độ nặng, không có khả năng hòa nhập. Cha mẹ, giáo viên mầm non khi nghi ngờ trẻ chậm phát triển cần đưa trẻ tới khám chuyên gia để phát hiện sớm vấn đề của trẻ. Việc can thiệp sớm và phù hợp với mức độ của trẻ giúp cải thiện tốt và có khả năng phát triển bình thường.

Các kỹ thuật can thiệp cho trẻ tự kỷ

Xuất phát từ bản chất của tự kỷ còn nhiều điều chưa rõ ràng nên chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ phải toàn diện, tác động lên bản thân trẻ và môi trường phát triển quanh trẻ. Những người thân của trẻ cần học cách hỗ trợ trẻ nhưng trước hết, cần coi và cư xử với trẻ như một em bé bình thường cùng tuổi. Kiên trì hướng dẫn, làm mẫu, và ép trẻ làm theo, trẻ sẽ học được (học cách bắt chước) như các bé bình thường.

Hiện nay, có rất nhiều kỹ thuật can thiệp cho trẻ tự kỷ. Nguyên tắc là phải phối hợp nhiều kỹ thuật: chơi nhóm, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu… phối hợp can thiệp cá nhân với giáo dục hòa nhập là hiệu quả nhất. Nên tập trung vào những kỹ thuật nhằm giải quyết các khó khăn chủ chốt của trẻ như: phát triển ngôn ngữ, hạn chế các hành vi bất thường và giúp trẻ chơi, kết bạn. Một số trẻ nặng (khoảng dưới 10% trẻ tự kỷ) có thể áp dụng can thiệp cá nhân và giáo dục đặc biệt. Nên hạn chế áp dụng hình thức này vì trẻ không có môi trường phát triển tự nhiên, đôi khi phát triển lệch lạc. Nội dung các kỹ thuật như sau:

Hoạt động trị liệu

Mục đích giúp trẻ nhận thức tốt hơn về bản thân và điều phối cảm giác vận động, tăng cường tự lập trong các hoạt động cá nhân. Nên cho trẻ chơi trên bạt lò xo, bóng cao su to, bơi bể bơi, đi bộ, nhảy dây, chui vòng, giúp việc nhà, đu xà, trườn, bò… Tất cả những thứ này được dùng để giúp trẻ trở nên nhận thức hơn về cơ thể mình và có khả năng sử dụng tay chân, cơ thể trong các cách khác nhau.

Vận động thô

Mục đích nâng cao thể lực, củng cố các hành vi tích cực, giảm thiểu các hành vi tiêu cực, nâng cao khả năng tập trung chú ý, là giai đoạn cần thiết trước khi thực hiện chương trình giáo dục đặc biệt. Các hoạt động tập thể dục, vận động, chạy nhảy và chơi nhóm cùng nhiều trẻ khác giúp cho trẻ bắt chước, cùng hoạt động với bạn bè, sự tương tác qua lại.

Ngôn ngữ trị liệu

Đây là phương pháp có tác động mạnh mẽ nhất đến phát triển của trẻ tự kỷ. Mục tiêu giúp trẻ hiểu mọi người tốt hơn và tự biểu đạt nhu cầu, tăng khả năng bắt chước và tương tác của trẻ, giúp trẻ hạn chế các hành vi xấu. Nên nói chậm và dùng các cử động tay, cơ thể và nhìn mặt trẻ khi nói.

Đợi trẻ nói và làm mẫu để trẻ nhắc lại khi trẻ không biết biểu đạt. Chỉ vào các đồ vật và nói tên chúng, thường xuyên “sai” trẻ làm và cùng trẻ thực hiện các mệnh lệnh đơn giản. Một số trẻ có thể đọc được, hay dùng các hình vẽ có tên vật hoặc hành động để dạy trẻ. Giúp trẻ cách trả lời và đặt các câu hỏi đơn giản như: Cái gì đây? Làm gì? hoặc Ai? Ở đâu?… Nhờ đó trẻ biết sử dụng ngôn ngữ tốt hơn.

Chơi trị liệu

Mục đích giúp phát triển nhận thức về thế giới xung quanh, giúp trẻ giải toả tâm lý, thể hiện bản thân, tăng khả năng tưởng tưởng, tư duy, sáng tạo, hoàn thiện các cơ quan cảm giác, hình thành các quan hệ xã hội… cùng chơi và nói chuyện, bình luận về mọi chuyện đang xảy ra với trẻ. Nếu được, nên chơi đóng vai, ví dụ: tập làm MC, nhạc công, công an, cô giáo, bác sĩ… Đóng vai giúp trẻ có kỹ năng xã hội và kết thân tốt, hiểu về vị trí xã hội, cách ứng xử với từng vai. Rất nên cho trẻ chơi cùng nhóm với nhiều trẻ khác để trẻ nhận lượt chơi của mình. Ví dụ: lắng nghe rồi đứng lên trả lời, hát hoặc làm một phần của hoạt động xây nhà, chăm sóc em bé, đi mua sắm…

Can thiệp hành vi

Uốn nắn, kiểm soát hành vi xấu, dạy trẻ hành vi tốt là nội dung của can thiệp hành vi. Hầu hết trẻ tự kỷ nặng, giao tiếp khó khăn đều gặp các vấn đề hành vi: các vận động định hình, hoặc tạo các âm thanh bất thường, bị “hút” vào các chuyển động xoay tròn, hoặc thực hiện trò chơi, hoạt động theo kiểu bất thường… và hành vi gây hại. Việc phát hiện và điều chỉnh hành vi cho trẻ cần sớm và có sự thảo luận với chuyên gia ngôn ngữ trị liệu, tâm lý.

Học hòa nhập hoặc ở lớp đặc biệt

Mục đích tạo cho trẻ môi trường phát triển bình thường giống như mọi trẻ em khác. Thông qua giáo dục sẽ giúp trẻ hiểu và có kỹ năng hòa nhập xã hội, tăng cường khả năng giao tiếp, giúp nhận thức sự vật hiện tượng xung quanh, hiểu biết và quan tâm đến những ứng xử tình cảm của người khác, tăng cao khả năng hội nhập cộng đồng. Giáo viên mầm non cần theo sát và khuyến khích, hỗ trợ trẻ tham gia mọi hoạt động của lớp như các bé khác.

Can thiệp nhờ các môn nghệ thuật

  • Âm nhạc trị liệu: mục tiêu mà trị liệu âm nhạc hướng tới là làm giảm bớt các hành vi bất lợi, tăng cường các tương tác xã hội. Âm nhạc cuốn hút trẻ, giúp trẻ học ngôn ngữ một cách máy móc, không cần hiểu nghĩa của ca từ.
  • Vẽ/nặn: thông qua vẽ và nặn, trẻ có thể nâng cao khả năng vận động tinh, khả năng phối hợp tay và mắt, giúp trẻ từng bước làm chủ các vận động kỹ xảo trong học viết và các thao tác tinh tế khác. Ngoài ra, hoạt động này giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung chú ý, làm chủ các hành vi một cách có ý thức.
  • Thơ, truyện, đồng dao: do trẻ tự kỷ có khả năng nhớ máy móc hơn nhớ ý nghĩa, nên việc dạy trẻ đọc chữ thông qua thơ đồng dao có giá trị đáng khích lệ. Với những tiết tấu, giai điệu, vần điệu, từ ngữ đơn giản, tươi sáng và dễ hiểu của thơ, đồng dao sẽ giúp cho trẻ dễ tiếp thu hơn.

Lao động trị liệu

Dành cho trẻ tự kỷ lớn, tuổi thiếu niên, mà khả năng theo học tiếp ở trường phổ thông khó khăn. Mục đích hướng nghiệp cho trẻ, giảm bớt tác động của khuyết tật, tạo môi trường xã hội để trẻ kết bạn, và tạo một công việc có thu nhập cho tương lai. Bắt đầu bằng cách dạy trẻ giúp cha mẹ các hoạt động nội trợ, sau đó là chăm sóc gia súc, trồng trọt, các nghề thủ công hoặc chọn một công việc phù hợp với sở thích và năng lực của trẻ như: vẽ, nhạc, hoặc liên quan đến công nghệ thông tin…

Xem thêm: SUY TUYẾN GIÁP BẨM SINH TIÊN PHÁT (Sporadic congenital hypothyroidism)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Signs and Symptoms of Autism Spectrum Disorders, CDC, truy cập ngày 11/6/2023.

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here